Sunday, June 27, 2010

Bình luận: ĐƠN KIỆN NHÀ CẦM QUYỀN CSVN CỦA LM NGUYỄN VĂN LÝ

Thiện Ý – 21.6.2010

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chắc quý độc giả đã biết, ngày 8 tháng 6 năm 2010 vừa qua, một tù nhân lương tâm là Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý đã gửi “Đơn kiện số 1” đến Tòa án Nhân quyền của Liên Hiếp Quốc có trụ sở ở Thụy Sĩ, để kiện Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (NCQ CSVN) . Nội dung đơn kiện gồm 3 phần chính:

- Một là tiến trình Linh mục Nguyễn Văn Lý bị NCQ CSVN giam cầm tất cả 4 lần, tổng cộng 17 năm tù giam, 14 năm quản chế trong 7 lần. (Yếu tố cấu thành tội phạm).

- Hai là các văn kiện pháp luật và các sự kiện lịch sử làm căn cứ khởi kiện. (Luật pháp quốc tế và quốc nội qui kết).

- Ba là mục tiêu khởi kiện nhằm thành đạt mục đích gì. (Thỉnh cầu).





Trước hết trong tiến trình bị bắt bất công 4 lần, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã trình bày chi tiết các lần bị bắt, bị đối xử tàn tệ và bị giam cầm tổng cộng 17 năm trong nhà tù khắc nghiệt của chế độ, đã đưa đến tác hại đến thể xác và tinh thần của nguyên cáo ra sao. Tất cả sự bắt bớ, giam cầm, đối xử tàn tệ này của NCQ CSVN, trước sau chỉ vì những hoạt động đấu tranh ôn hòa của nguyên cáo Nguyễn Văn Lý, cho các Quyền Tự do, Dân chủ, Nhân quyền phù hợp với qui định trong Luật pháp Quốc tế mà chính NCQ CSVN cũng đã ký kết và cam kết thi hành. Chính vì vậy mà nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý, đã kiện bị cáo là NCQ CSVN trước Cơ quan Tài phán Quốc tế, căn cứ trên các văn kiện pháp lý quốc tế và quốc nội có hiệu lực thi hành sau đây:

1/ Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc ngày 16-12-1966, và NCQ CSVN đã xin tham gia ngày 24-9-1982.

- Điều 19, khoản 2: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.

- Điều 22, khỏan 1: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.”

2/ Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người Đấu tranh cho Nhân quyền ngày 9 -12-1998;

- Điều 5: Qui định “Nhằm thăng tiến và bảo vệ quyền con người và các tự do căn bản, mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền trên bình diện quốc gia hay quốc tế:

a) Hội họp và tụ họp một cách thuần hòa;

b) Thành lập những tổ chức, những hội đoàn hay những nhóm phi chính phủ, gia nhập và tham dự vào những tổ chức, những hội đoàn, những nhóm phi chính phủ ấy.

- Điều 7: Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền dự kiến những nguyên tắc mới và những ý kiến trong lĩnh vực nhân quyền, thảo luận về nhân quyền và làm thăng tiến sự hiểu biết về nhân quyền.

- Điều 8,1: Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác và trên căn bản không phân biệt đối xử, đều có quyền tham gia hữu hiệu vào chính quyền nước họ và vào việc quản lý việc công.

- Điều 8,2: Nhất là quyền này bao hàm quyền, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đệ trình các cơ quan và các thiết chế quốc gia, cũng như các cơ cấu đảm lãnh việc công, những phê phán và những đề nghị nhằm cải thiện sự tiến hành các cơ quan này và báo hiệu về mọi mặt công tác của họ có nguy cơ gây trở ngại hay ngăn cản sự thăng tiến, bảo vệ và thực hiện nhân quyền cùng các tự do căn bản.

- Điều 12,1: Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác đều có quyền tham gia các hoạt động hòa bình để đấu tranh chống mọi vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản.

3/ - Luật ký kết, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế do NCQ CSVN ban hành ngày 24-6-2005 và có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2006. Trong luật quốc nội này, còn quy định rõ nguyên tắc hiệu lực luật quốc tế cao hơn luật quốc nội, rằng khi có điều nào trong Luật pháp của một Nước thành viên Liên hiệp quốc khác với hoặc mâu thuẫn với Công ước Quốc tế, thì phải áp dụng Công ước Quốc tế là Văn bản pháp lý có gí trị ràng buộc cao hơn.

- 6,1: Trong trường hợp Văn bản Qui phạm Pháp luật trong Nước và Điều ước Quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có qui định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng qui định của Điều ước Quốc tế.

- 6,2: Việc ban hành Văn bản Qui phạm Pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thi hành Điều ước Quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có qui định về cùng một vấn đề.

Đồng thời, để hỗ trợ cho căn bản pháp lý khởi kiện vừa nêu, nguyên cáo Nguyễn Văn Lý còn đưa ra những sự kiện thực tiễn lịch sử để so sánh hoạt động tranh đấu của nguyên cáo với hành động tương tự về tính chất của một số nhân vât lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, nhưng đều không bị Nhà cầm quyền đương thời bắt bớ, giam cầm và đối xử tàn tệ như NCQ CSVN đối xử với nguyên cáo và những Nhà đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền Việt Nam ngày nay.

Đó là trường hợp Karl Marx khi viết và công bố Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản ở Luân Đôn Anh quốc, Nguyễn Ái Quốc tức các Nhà ái quốc Việt Nam như Cụ Phan Chu Trinh, Luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Hồ Chí Minh, v.v. đã viết sách, báo chống lại chế độ thực dân Pháp ngay tại thủ đô Paris, không hề bị bắt. Người Việt làm báo chống Thực dân Pháp ngay tại Việt Nam như Cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất bản báo “Tiếng Dân” ngay tại Huế năm 1927; Ông Nguyễn An Ninh xuất bản báo La cloche fêlée (Tiếng chuông rè, Tiếng chuông rạn) ở Sài Gòn năm 1923 đều không bị Thực dân Pháp bắt vì dám làm báo chống lại Pháp. Nhất là thời đó, riêng tại Nam Kỳ, Việt Nam, các đảng viên Cộng sản, nếu đấu tranh bất bạo động, dù công khai, vẫn không bị bắt.

Dựa trên căn bản pháp luật và thực tiễn lịch sử trên đây, nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý đã đòi bị cáo là NCQ CSVN phải trả lại tất cả những gì thuộc sở hữu cá nhân mà Công an Cộng sản đã tịch thu những lần khám xét trú sở và bắt cầm tù nguyên cáo, bồi thường mọi thiệt hại vật chất, sức khỏe, tinh thần đã gây ra cho nguyên cáo.v.v…

Nhận định nội dung Đơn Kiện số 1 của người tù lương tâm Linh mục Nguyễn Văn Lý, người ta thấy đã nêu lên được những yếu tố cấu thành tội phạm theo các điều khoản qui định của các Công ước Quốc tế được coi là Luật pháp Quốc tế và vi phạm Luật Quốc nội của chính NCQ CSVN ban hành liên quan đến việc thi hành Luật pháp Quốc tế, khi bắt bớ giam cầm nguyên cáo Nguyễn Văn Lý chỉ vì các hành vi đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền phù hợp với Luật pháp Quốc tế và Quốc nội. Công luận quốc dân Việt Nam ở hải ngoại cũng như trong nước hy vọng rằng, nếu Cơ quan Tài phán Quốc tế chấp nhận đơn kiện, tiến hành xét xử, nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý có nhiều yếu tố và cơ hội thắng kiện. Nhưng để thắng kiện, nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý cần sự trợ giúp thiện nguyện của các Luật sư Việt Nam tài giỏi thông thạo Công pháp và Tư pháp Quốc tế ở hải ngoại cũng như trong nước. Quý vị Luật sư tài giỏi của Việt Nam nghĩ sao ? Liệu quý vị có thể qui tụ thành một Tổ hợp Luật sư để nhiệm cách miễn phí cho nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý trước tòa án có thẩm quyền hay không ?

Tuy nhiên niềm hy vọng Tòa án Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc có trụ sở ở Thụy Sĩ thụ lý vụ này đã khó, nếu vượt qua được, thì bản án nếu được tuyên phạt bị cáo là NCQ CSVN cũng khó thi hành trên thực tế, khi chính Tòa Án Quốc tế cũng chưa có phương thức thi hành án hữu hiệu, trong bối cảnh ĐCSVN vẫn độc quyền thống trị độc tài, độc tôn và độc quyền như hiện nay. Tất nhiên, dù được xét hay không và có thắng kiện hay không thì đơn kiện số 1 của người tù lương tâm Linh mục Nguyễn Văn Lý đã có tác dụng tức thời như BẢN CÁO TRẠNG SỐ 01 mở đầu cho nhiều Bản cáo trạng khác sau này về tội ác của nhà cầm quyền Cộng sản hiện nay đối với các nhà bất đồng chính kiến đã và đang đấu tranh ôn hòa cho các Nhân quyền và Dân quyền căn bản của mọi tầng lớp Nhân dân trong Nước.@@@

Thiện Ý - Houston, ngày 21-6-2010

@@@ Chú thích của Lm Nguyễn Văn Lý : Thực ra, tôi chắc chắn thắng kiện không cốt ở chỗ có Tòa án Nhân Quyền của LHQ xử thắng hay không. Vì hiện nay, rất tiếc, chưa có Tòa án Nhân quyền của LHQ, mà mới chỉ có các Tòa án Nhân quyền của các Tổ chức và Tòa án Tội ác Chiến tranh, hoặc Tội ác Chống Loài người (The International Criminal Court) và Tòa án Công lý của LHQ (The International Court of Justice, chưa xét xử các loại tội vi phạm nhân quyền của các Nhà nước). Mục tiêu cốt yếu tôi nhắm là Bản Cáo trạng số 1 này chắc chắn được đón nhận cách thuyết phục giữa Công luận QT rằng NCQ CSVN đã vi phạm Công pháp QT, còn tôi lại là người đã hành động hợp pháp, đã và đang có quyền lên án và kết án CSVN. Phải cần hàng trăm, hàng ngàn người Dân VN kiện tụng như thế, để LHQ nhận thức được tình trạng bức thiết mà sớm thiết lập loại Tòa án xét xử các tội vi phạm nhân quyền tương tự, điều mà hiện nay Tòa án Công lý LHQ mới chỉ biết khuyến cáo, nhắc nhở các NCQ vi phạm, mà chưa thể kết tội thành bản án ràng buộc pháp lý chặt chẽ được. Trong khi đó, các Tòa án Nhân quyền của các Tổ chức Nhân quyền QT hoặc của các Nước thì chưa thể xét xử một NCQ đang tại chức, dù NCQ ấy độc tài và tàn bạo đến đâu đi nữa. Vì thế, các loại Tòa án này mới chỉ biết đơn phương lên án và kết án, chưa thể có biện pháp chế tài nghiêm minh hiệu quả. Tuy nhiên, các Tổ chức này có thể khuyến cáo các Chính phủ và các Tổ chức Phi chính phủ phải có những hành động chế tài thích hợp. Ít ra, đây là điều các Chiến sĩ Dân chủ Hòa bình chúng tôi đang mong đợi./.