Nhật Hiên, thông tín viên RFA
2010-05-05
Hòa giải, hòa hợp đã được nhắc đi nhắc lại năm này qua năm khác. Phải chăng sau 35 năm dài, hòa giải, hòa hợp đã trở thành niềm mong mỏi thực sự của rất nhiều người dân Việt?
AFP photo Việt kiều về thăm quê nhà.
Hòa hợp, hòa giải-niềm khát khao của rất nhiều người
Ngày 30.4 năm nay, nếu để ý chúng ta sẽ thấy từ báo chí trong nước cho đến ngoài nước, các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân…những chữ “hòa giải, hòa hợp” xuất hiện khá nhiều. Báo chí của Nhà Nước như Vietnamnet thực hiện cả một loạt bài về chủ đề này. Báo chí ở bên ngoài nước như BBC, RFA, RFI, VOA… các diễn đàn độc lập như Talawas, Đàn chim việt, Dân luận, X-café, Đối thoại…đều có bài.
“Khái niệm “hòa giải, hòa hợp” không phải đến bây giờ mới được đề cập đến. Thậm chí vài năm gần đây, cứ vào ngày 30.4, người ta lại loáng thoáng nói đến điều đó, ở cả bên này lẫn bên kia.
Trên các trang blog, là hàng loạt bài viết từ những người thuộc thế hệ U90, hơn một nửa đời người đi theo đảng trước khi nhận ra sai lầm như nhạc sĩ Tô Hải, nhà báo Bùi Tín; cho đến văn nghệ sĩ, trí thức thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh ở cả hai phía như nhà báo Ngô Nhân Dụng, nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc, nhà thơ Trần Trung Đạo… đang sống ở nước ngoài, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Nguyễn Quang Thân, nhà báo Trương Duy Nhất…đang sống ở trong nước, vả cả những blogger mới ngoài 30, 20 chỉ biết về cuộc chiến tranh này qua sách vở như Mr. Do, mẹ Nấm, Ngô Minh Trí…
Khái niệm “hòa giải, hòa hợp” không phải đến bây giờ mới được đề cập đến. Thậm chí vài năm gần đây, cứ vào ngày 30.4, người ta lại loáng thoáng nói đến điều đó, ở cả bên này lẫn bên kia. Nhưng dường như chưa bao giờ chủ đề “hòa giải, hòa hợp” lại được nhắc đến nhiều như vậy. Phải chăng sau 35 năm dài, hòa giải, hòa hợp đã trở thành niềm mong mỏi thực sự của rất nhiều người dân Việt?
Hoa giải, hòa hợp-vì sao lại khó khăn đến thế?
Nhưng vì sao lại khó khăn đến thế? Vì sao sau 35 năm cay đắng vẫn chưa thể nguôi? Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo than thờ trong bài “Đừng thêm những tháng Tư”: “Sao
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ và chúc Tết cùng các Việt Kiều. người Việt hận thù nhau vẫn còn ghê gớm thế. Tôi đọc trên báo, trên mạng thấy chả ai chịu ai, chả cờ nào chịu cờ nào. Cờ đỏ sao vàng bay khắp cùng nước Việt. Cờ vàng ba sọc phấp phới quận Cam... Một đoàn người hô "đả đảo Việt cộng, đả đảo cộng sản". Dân ta sao cứ đả đảo dân ta? Và cả một chiến sách "chống diễn biến hòa bình" không mệt mỏi. Hòa bình ai chả muốn. Vậy mà lâu nay tôi vẫn không hiểu tại sao lại "chống diễn biến hòa bình"? Có từ gì hay hơn, rõ hơn không”.
Blogger Thanh Chung, một người phụ nữ Việt đang làm việc cho tổ chức Quĩ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEP) tại New York thì tự hỏi:
Sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian
Để Ba mươi tháng tư thôi là ngày “Quốc hận”?
Sẽ cần thêm bao nhiêu tháng năm
Để “Quốc giỗ” cho những người tử trận
Không phân biệt thắng - thua, được - mất.
“Vì sao sau 35 năm, nhà nước Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đã hợp tác với chính quyền Mỹ trên nhiều lĩnh vực, vậy mà với đồng bào cùng máu mủ ruột thịt một thời ở phía bên kia chiến tuyến họ lại chưa làm được điều đó? Câu hỏi đó cũng là nỗi day dứt của không ít người.
Vì sao sau 35 năm, nhà nước Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đã hợp tác với chính quyền Mỹ trên nhiều lĩnh vực, vậy mà với đồng bào cùng máu mủ ruột thịt một thời ở phía bên kia chiến tuyến họ lại chưa làm được điều đó? Câu hỏi đó cũng là nỗi day dứt của không ít người.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhắc lại tâm sự của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã từng có một câu nói về ngày 30.4 mà ít người ở cương vị ông vào thời điểm đó nói được như vậy: “Đó là ngày có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”: Trước khi qua đời, ông Võ Văn Kiệt đã rất đau đớn mà thốt lên: "Ba mươi năm rồi, mà sao dân tộc này vẫn chưa hòa giải đươc?". Câu nói đó cũng là một thú nhận sự bất lực của ông, vì ông từng là Thủ tướng nước này. Nhưng, đó là một lời than có thể chia sẻ được nếu ta vì dân tộc muốn thu về một mối.” Tôi chia sẻ với ông vì tôi đã từng nghĩ: Một dân tộc mà lũ trẻ không biết mơ mộng và người già không biết sám hối, đó là một dân tộc bất hạnh. Hãy trân trọng sự sám hối.”
Nguyên nhân gần
Khi đã đặt được câu hỏi, cũng là khi con người nhận ra câu trả lời nằm ở đâu. Nguyên nhân ở cả hai phía nhưng trách nhiệm trước hết thuộc về nhà nước Việt Nam, những người thuộc phe chiến thắng và đang nắm cả giang sơn đất nước trong tay, những người ở vào cái thể dễ dàng hơn và có điểu kiện hơn để tiến hành sự hòa giải nếu họ thực tâm muốn.
Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó. Không ít người tuy vẫn nói đến sự hòa hợp nhưng ngay sau đó trong cách dùng từ, cách suy nghĩ đã không thể thoát ra khỏi sự ám ảnh của quá khứ, của tư duy phân biệt phe này với phe kia, sự thắng-thua…đã ăn sâu vào tiềm thức. Blogger Mr. Do, thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh đã nhận xét về bài trả lời phỏng vấn của nhà ngoại giao hưu trí Võ Văn Sung trên Tuần Việtnam: “Giờ thì ông ngồi đây và nói chuyện hòa giải. Tôi hiểu những con người như ông, đã một đời chiêm nghiệm, ý thức được hòa giải dân tộc là lớn lao đến nhường nào, cần thiết đến nhường nào.
Nhưng sau chừng ấy năm tháng, dường như ông vẫn chưa thoát ra khỏi quán tính địch-ta.
Ông nói: "Chúng ta biết rằng vào thời điểm cuối tháng 4/1975 nếu Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ còn nắm quyền và thực hiện "tử thủ" như ở Xuân Lộc thì chắc chắn ta không có một Sài Gòn giải phóng còn nguyên vẹn và chắc chắn phải hy sinh nhiều sinh mạng hơn."
"Bè lũ" là một cách diễn đạt chẳng hề có lợi cho hòa giải chút nào. Cũng như, có khiên cưỡng lắm không khi bàn đến hòa giải mà vẫn nhấn nhá những "đại thắng" với lại "giải phóng"?
(Hãy cẩn thận với từng lời nói của anh, vì mỗi một ngôn từ anh dùng có thể làm tôi tổn thương và giận dữ).”
Trong khi đó, một nhà ngoại giao, một chính trị gia khác của Việt Nam, ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam (từ năm 2000 đến năm 2006) khi trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật đã nói: “30-4, đừng làm người ta đau thêm nữa. Người chiến thắng dẫu sung sướng, nhưng cũng phải nhìn thấy nỗi đau của những bà mẹ mất con", và khi đánh giá lại những việc đã qua, đã phải thừa nhận: “Ngày ấy (năm 1975) chúng ta đã thực hiện những chính sách mà… đáng lẽ nếu tỉnh táo hơn, được một phần của Đổi Mới sau này thôi, thì Việt Nam bây giờ đã mạnh lắm, cường thịnh lắm...”
Ai cũng hiểu rằng hòa giải hòa hợp phải bằng việc làm cụ thể chứ không phải chỉ là những lời nói suông, mỗi năm lại thốt ra nhân dịp 30 tháng tư về. Nhưng 35 năm
CSVN áp lực chính phủ Mã Lai đập phá bia tưởng niệm thuyền nhân ở Paulau Bidong Mã Lai.
tưởng cũng đã quá dài, vậy mà ngay một việc như cách kỷ niệm ngày 30.4 vẫn không hề thay đổi. Nhà báo Xuân Bình tự hỏi “30.4 là cái gì vậy?” : “Nhiểu năm qua, trong khi cố len vào từng ngóc ngách của miền Nam tôi luôn cầu nguyện một ngày 30-4 không cờ đèn kèn trống, không tưng bừng pháo hoa, ít đi những tiếng cười rổn rảng…
Một dân tộc sẽ đi tới đâu khi chỉ biết sằng sặc với quá khứ đầy đau thương của chính mình? Chẳng biết đến khi nào mới có một lương tri bật lên thành tiếng nói: một ngày mặc niệm bắt đầu!”
Cho đến những việc cụ thể như một quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ Biên Hòa cũng mất hàng bao nhiêu năm trời, việc tổ chức những buổi cẩu siêu chung cho những người tử trận không phân biệt bên này hay bên kia, khi tuyên dương các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trân hải chiến Trường Sa năm 1988 thì cũng đừng quên sự hy sinh của những người lính Việt Nam cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, và cho phép thân nhân của những người lính miền Nam được đi tìm và mang hài cốt họ về nhà như nhà nước đã làm với lính Mỹ v.v… Những việc nhỏ như vậy còn chưa làm được thì làm sao nói đến sự hòa giải, hòa hợp.
Nhìn ra thế giới có biết bao nhiêu kinh nghiệm xử lý thành công vấn đề này của các nước mà chúng ta có thể học được, như cách ứng xử vô cùng trân trọng, nhân bản của quân đội miền Bắc nước Mỹ thắng trận với quân đội miền Nam thua trận trong cuộc nội chiến Mỹ cách đây 145 năm, hay kinh nghiệm của nước Đức mà tác già Hồ Thể Y kể lại trong bài “Hòa hợp hòa giải?!” đăng trên trang bauxite vietnam: “Chính sách biên chế của nước Đức (Ent – Nazifizierung) từ tháng Giêng 1946, sau Hiệp ước Postdam của tứ cường, lưu dụng hầu như toàn bộ trí thức, chuyên gia, công nhân và cả quân nhân vào guồng máy xây dựng đất nước. Tôi hiểu tại sao, sau Thế chiến thứ II hầu như toàn bộ người dân “gốc Đức” từ Đông Âu di tản sang CHLB Đức!
Lịch sử lặp lại, năm 1990 sau khi thống nhất, nước Đức thi hành Chính sách biên chế Mật vụ (EntStasifizierung), loại bỏ toàn bộ những ai đã cộng tác với Cơ quan Mật vụ – Điềm chỉ ra khỏi các Cơ quan nhà nước, ngoài ra hầu như tất cả được lưu dụng, đối xử (tương đối) công bằng! Bà Thủ tướng Angela Merkel là một thí dụ.”
Chỉ sau 20 năm kể tử ngày bức tường Berlin sụp đổ, người Đức đã không còn phài bận tâm đến vấn đề hòa giải nữa, trong khi đó thì Việt Nam, 35 năm đã trôi qua, vì sao?
Có tác giả đi tìm cách lý giải nằm trong tính cách của người Việt. Bài viết “Bao dung và hòa hợp- nhìn từ dân trí và hội nhập” của tác giả Nguyễn Hoàng đăng trên vietnamnet là một ví dụ, cho rằng sự khó khăn trong việc hòa giải, hòa hợp của người Việt có lẽ là do những nguyên nhân nằm trong tâm thức, trong lịch sử và văn hóa của người Việt.
“Nhìn vào thực tế trong quá khứ và hiện tại, sự thiếu kết dính, tính không hợp tác của người Việt, đầu óc cục bộ địa phương đến vị kỷ, cách nhìn nhận các vấn đề xã hội đầy định kiến áp đặt chủ quan theo tư duy duy cảm (người Việt mình nghĩ bụng mà!) không thể làm cơ sở cho sự đoàn kết và phát triển, đang thể hiện khắp nơi, ở khắp các cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.”
Nguyên nhân sâu xa
Nguyên nhân sâu xa nhất khiến cho việc hòa giải, hòa hợp của người Việt trở nên khó khăn chính là do thực trạng xã hội chính trị của đất nước vẫn không hề thay đổi. Nhà giáo Phạm Toàn viết trong bài: “3 điều ước 30.4” đăng trên bauxite vietnam “…hòa giải và hòa hợp dân tộc trong thời đại ngày nay là việc của thực lực, không còn là việc tuyên truyền.
Vấn đề đặt ra là: thế nào là cái tổ đáng cho mọi người tụ hội nhau về đó mà hòa giải và hòa hợp dân tộc? Cái tổ này phải thực sự là nơi có độc lập, tự do, hạnh phúc như ở mọi nơi con dân nước Việt đang sống và đang đòi được sống đúng với cái chuẩn mực do chính Tổ quốc Việt Nam xướng xuất từ 2 tháng 9 năm 1945. Cần phải thấy là, ngay con em những người xa xứ ít học nhất khi xưa thì nay cũng đã quen sống trong nền văn hóa độc lập thực sự, tự do và hạnh phúc thực sự.”
Trong bài “ Hòa giải hòa hợp dân tộc” không phải là cái bánh béo bở để ban phát, phân chia!” đăng trên talawas, tác giả Nguyễn Hoàng Quang cũng có cùng suy nghĩ như vậy: “Nếu đất nước Việt Nam 35 năm qua có xã hội công dân bình đẳng, nhân dân có quyền tự do, dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, có xã hội dân sự, có diễn đàn công luận xã hội không phải là tiếng nói từ một phía thì những vấn đề chưa giải trong lòng dân tộc, đất nước, hằn sâu trong mỗi tâm hồn, cuộc sống người Việt Nam có lẽ đã được hóa giải từ lâu chứ không phải muộn màng như hôm nay mới đặt ra…”.
Trả lời phỏng vấn của đài VOA, blogger, nhà thơ Trần Trung Đạo cũng nói: “…ngày nào chế độc độc tài đảng trị, dù tồn tại dưới bất cứ hình thức nào tại Việt Nam, ngày đó chuyện hòa giải chỉ là một chuyện để bàn cho có và cũng sẽ qua đi theo mỗi tháng Tư.” Nhạc sĩ Tô Hải còn gay gắt hơn, trong bài “Hòa hợp, hòa giải?Không bao giờ!Nếu…” nhạc sĩ Tô Hải vạch ra hàng loạt sai lầm, cái tội của đảng và nhà nước Việt Nam là nguyên nhân đưa đến hận thù cay đắng chưa nguôi trên đất nước này và ông mơ ước chỉ khi nào có một ngày đảng tự nhận ra: “Đảng của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, nay trước nhiệm vụ xậy dựng đất nước, đưa cuộc cách mạng kinh tế, khoa học, xã hội và nhân văn lên tầm cao mới, chúng tôi thấy không đủ tài năng và trí tuệ. Vậy xin nhường quyền lãnh đạo đất nước cho mọi nhân tài không phân biệt chính kiến, tôn giáo, đảng phái… ra lãnh đạo đất nước bằng một cuộc tuyền cử thật sự công bằng, văn minh…” Chỉ lúc ấy, mọi giấc mơ vể hòa giải-hòa hợp mới thực sự bắt đầu.”
Phải chăng, ngay chính trong hàng ngũ những người lãnh đạo cao nhất của chính quyền cũng thừa hiểu sự thật là chỉ có một sự thay đổi toàn diện, triệt để về mọi mặt chính trị, xã hội mới có thể hòa hợp kết nối lòng dân về một mối và đưa đất nước qua một ngả rẽ mới, nhưng đó lại là điều mà họ không bao giờ có thể làm được, vì sợ mất hết những gì đang có. Nên xem ra hòa giải hòa hợp vẫn là chuyện rất khó, dù đã 35 năm trôi qua cũng vậy!
Nhưng dù khó khăn đến thế nào đi nữa, thì hòa giài, hòa hợp là chuyện phải làm.
Đó là điều tối cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước lại đang có nguy cơ đứng trước những âm mưu xâm lược kiểu mới từ nước láng giềng phương Bắc. Dân tộc này đã từng bị các nước lớn lợi dụng, xúi bẩy, cung cấp vũ khi, tiền bạc để anh em một nhà lao vào bắn giết nhau. Nếu không học được bài học lịch sử, một lần nữa, Việt Nam chúng ta hoặc sẽ không còn nguyên vẹn lãnh thổ, hoặc sẽ lại rơi vào một cuộc chiến tranh vô nghĩa khác. Lại một ngày 30.4 qua đi, đọng lại câu hỏi nhức nhối: “Hòa giải, hòa hợp-bây giờ hay bao giờ?”
Nguồn Radio Free Asia.