Saturday, April 28, 2012

Ngày Quốc hận 30/04 tại thủ đô Canberra, Úc Châu

Hôm nay ngày Thứ Bảy 28/04, trong thời tiết hơi se lạnh cuối Thu của thủ đô Canberra, nhưng lại là một ngày có nắng đẹp, dưới một rừng cờ vàng tung bay là cả một đoàn người gần 2000 đồng hương từ các tiểu bang trên khắp nước Úc tề tựu về thủ đô, trước tòa đại sứ CSVN để biểu tình và tưởng niệm đánh dấu 37 năm ngày Quốc Hận 30/04.

Hơn nửa tiếng trước khi chương trình bắt đầu lúc 11.30 là đồng hương đã tề tựu đầy đủ. Đoàn xe các loại đậu đầy khắp chung quanh khu vực gồm có hơn 20 xe bus lớn, cùng khoảng gần 100 chiếc xe lớn nhỏ đủ loại. 

MC Nguyễn Toàn và Trần Nhân
Sau phần nghi thức chào cờ và mặc niệm dưới sự điều khiển của hai MC Nguyễn Toàn và Trần Nhân là bài phát biểu của ông Nguyễn Thế Phong, chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Úc Châu. Mở đầu, ông chào đón và giới thiệu đến đồng hương một dân oan đến từ Việt Nam là anh Trương Quốc Việt, người hiện đang tọa kháng trước tòa đại sứ CSVN từ hôm Thứ Hai 23/04.



Bằng giọng hùng hồn, ông cho rằng CSVN có truyền thống bán nước chỉ vì quyền lợi đảng trị. Lúc nào CSVN cũng tôn sùng đàn anh Trung Cộng, xem nặng "tình anh em XHCN", trong khi suốt chiều dài lịch sử chứng minh rằng Trung Quốc lúc nào cũng muốn thôn tính Việt Nam.

Ngược lại, lịch sử đã chứng minh dân tộc Việt Nam luôn phải chiến đấu chống lại sự bành trướng từ phương Bắc qua những Hội nghị Diên Hồng, với tinh thần quyết chiến, “sát Thát”. Trong khi đó, ngày nay bè lũ CSVN lại qụy lụy với kẻ thù phương Bắc, bằng chứng là đã lập nghĩa trang tôn thờ các liệt sĩ Trung Cộng và cho công an thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, bắt bớ giam cầm những người yêu nước như Blogger Điếu Cày, bà Bùi Thị Minh Hằng và gần đây nhất là nhạc sĩ Việt Khang

Ông chấm dứt bài phát biểu bằng một lời trích từ bài hát "Việt Nam tôi đâu" của nhạc sĩ Việt Khang.

Đại diện cộng đồng Việt Nam tại thủ đô Canberra, ông Lê Công có bài phát biểu với chủ đề "trách nhiệm của CSVN và các hành động bán nước". Với sự diễn đạt lưu loát bằng Anh Ngữ, ông cho biết qua hiệp định biên giới năm 1997 và 2007, CSVN đã cắt nhượng hơn 1,000 cây số vuông, một diện tích tương đương 1/4 thủ đô Canberra và vòng đai. Không những thế, chúng còn rước họa môi sinh lên mái nhà Tây Nguyên bằng cách để cho các công ty Trung Cộng khai thác Bauxite tại hơn 6 địa điểm khác nhau. Hơn nữa chúng còn cho các công ty Trung Quốc thuê đất đầu nguồn tại 16 tỉnh biên giới. Và hiện nay có lẽ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới bắt bớ giam cầm người yêu nước.

Tiếp lời, MC Toàn Nguyễn chỉ vào tấm poster "Bịt miệng" nổi tiếng làm bằng chứng cho sự tụ do hiện nay ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thanh, đại diện cộng đồng Việt Nam bang NSW có bài phát biểu với chủ đề "CSVN đàn áp tôn giáo có kế hoạch". Cộng sản luôn cho rằng "tôn giáo là thuốc phiện", và lúc nào cũng tìm cách tiêu diệt các tôn giáo. Sắc lệnh tôn giáo ra ngày 18/06/2004 là công cụ dùng để khống chế tôn giáo triệt để. Nhà cầm quyền liên tục chiếm đoạt đất đai, cơ sở của các tôn giáo biến thành nơi chốn ăn chơi, hoặc làm của riêng. Công an sử dụng côn đồ trấn áp giáo dân, tu sĩ của tất cả các tôn giáo. Cách hành xử tuy có lúc mềm mỏng, lúc nặng tay nhưng lúc nào cũng quyết liệt. Chúng tách rời cá nhân, vụ việc để bề đàn áp. Ngoài ra, chúng còn kết hợp quyền lợi để áp chế, buộc mọi người phải im lặng.


Xen kẽ các bài phát biểu là những tiếng hô vang các khẩu hiệu "Đả đảo CSVN hại dân bán nước", "đả đảo CSVN đàn áp tôn giáo"...





Để thay đổi bầu không khí, ca sĩ Quốc Hưng và Việt Hùng đã lần lượt đơn ca 2 bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Việt Khang là bài "Việt Nam tôi đâu?" và "Anh là ai?".

Vị chủ tịch trẻ tuổi Nguyễn Văn Bon của tiểu bang Victoria có bài phát biểu về "sự vi phạm nhân quyền của CSVN". Tuy Điều 69 có đề cập tự do ngôn luận, nhưng trong thực tế chúng lại thẳng tay đàn áp báo chí, bắt bớ tù đày những ai dám lên tiếng chỉ trích chế độ, việc bắt bớ những người yêu nước như Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn là những thí dụ điển hình.

Nhạc sĩ Việt Khang, một người yêu nước nồng nàn, thông qua 2 bài hát nổi tiếng của mình đã gởi một thông điệp chống quân xâm lược Trung Quốc. Ông cho rằng "chúng ta đừng sợ những gì chúng làm, mà hãy làm những gì chúng sợ".
Đỗ Thị Kiều Oanh: Không có dân
chủ thì nhân quyền không được tôn trọng
Cô Đỗ Thị Kiều Oanh, vị phó chủ tịch trẻ tuổi của cộng đồng bang Queensland đã mở đầu bài phát biểu bằng Anh Ngữ bằng những câu như sau:
"Không có tự do thì không thể phát triển được"
"Không có dân chủ thì nhân quyền không được tôn trọng".

Cô cho rằng CSVN là một bọn khôn nhà dại chợ, phản bội quê hương, buôn dân bán nước.

Từ nơi xa xôi, thủ phủ Adelaide của bang Nam Úc, ông chủ tịch cộng đồng Đoàn Công Chánh Phú Lộc cũng hiện diện với bài phát biểu chủ đề "CSVN  vi phạm nhân quyền thông qua chính trị". Từ thành phố biển Wollongong, bà chủ tịch cộng đồng Trần Hương Thủy có bài phát biểu qua chủ đề "CSVN vi phạm nhân quyền, nhân phẩm phụ nữ".

Bài "Việt Nam quê hương ngạo nghễ" qua phần trình bày của ca đoàn Miller đã làm sống động tinh thần của người biểu tình.

Bạn trẻ Nguyễn Khoa, đại diện Tổng hội SVVN cũng góp lời với đoàn biểu tình.

Anh Trương Quốc Việt, người dân oan đến từ Việt Nam, đã ra khỏi căn lều nhỏ của mình, bước lên bục đài để chia sẻ với đồng hương. Anh cho biết mình đến đây để:
- Bày tỏ sự quan tâm đến sự tồn vong của Việt Nam, bởi vì việc mất "căn nhà nhỏ" không còn quan trọng, mà chính là "căn nhà lớn" Việt Nam.
- Yêu cầu chính phủ Úc đặt điều kiện nhân quyền trong mối bang giao. Việc viện trơ không có kiểm soát chỉ làm lợi, vỗ béo cho chế độ, quan chức CSVN.
- Giúp cho người dân Việt Nam không còn sợ hãi nữa.
Dẫu biết rằng ngày trở về sẽ là chuỗi tù đày, nhưng anh vẫn sẵn sàng hy sinh vì đại cuộc, và anh mong rằng cộng đồng tỵ nạn hãy mãi mãi xứng với danh xưng "tỵ nạn". Dứt lời, anh không quên cám ơn sự hỏi thăm nhiệt tình và hỗ trợ tinh thần của quý đòng hương.

Cuộc biểu tình chấm dứt sau 2 tiếng đồng hồ và phái đoàn tiếp tục di chuyển đến Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại Việt Nam (Vietnam War Memorial).

Ghi nhanh từ Canberra
28/04/2012
Lê Minh



Đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại Việt Nam (Vietnam War Memorial) nhân dịp đánh dấu 50 năm ngày quân lực Úc tham chiến tại Việt Nam

Năm nay, để đánh dấu 50 năm ngày Quân lực Úc tham chiến tại Việt Nam, để bày tỏ lòng tri ân các chiến sĩ Úc đã bỏ mình tại Việt Nam, cộng đồng Việt Nam đã cùng với Hội cựu quân nhân Úc tham chiến tại Việt Nam (VVAA), tổ chức buổi lễ đặt vòng hoa tri ân. Ngoài đại diện cộng đồng Việt Nam và các tôn giáo, các cựu quân nhân Úc trong ban chấp hành VVAA còn có sự hiện diện của một số chính khách liên bang như TNS Gary Humphries (bang ACT) và Dân biểu Chris Hayes (NSW).

Dân biểu Chris Hayes: "Tôi mượn lời của nhạc sĩ Việt Khang để nói lên sự đàn áp nhân quyền của nhà cầm quyền Cộng sản"


TNS Gary Humphries: “Lịch sử cần được viết lại cho rõ ràng để vinh danh những ai đã chiến đấu vì lý tưởng tự do, và ... cuộc chiến ấy vẫn còn tiếp diễn!”

Sau nghi lễ đặt vòng hoa là phàn phát biểu của một số quan khách và chính khách.
Đại điện cộng đồng Việt Nam, ông Nguyễn Thế Phong xin tri ân sự hy sinh cao cả của 534 binh sĩ Úc, đã chiến đấu vì tự do.

Hai chính khách Úc cũng có lời phát biểu sâu sắc không kém. Dân biểu Chris Hayes cho biết ông rất ngưỡng mộ sự can đảm và lòng yêu nước của nhạc sĩ Việt Khang qua hai bài hát "Việt Nam tôi đâu?" và "Anh là ai?". Ông kết thúc bài phát biểu bằng cách mượn lời bài hát của nhạc sĩ Việt Khang:
"Tôi không thể ngồi yên, khi nước Việt Nam đang ngã nghiêng, dân tộc tôi sắp phải đắm chìm một ngàn năm triền miên tăm tối".

Trong lời phát biểu của mình, TNS Gary Humphries cho biết ông vừa mới trở về từ Đông Timor đêm qua. Trước đây xứ sở này bị giới quân phiệt cai trị, nhưng nay đã đổi thay nhiều và ông cũng mong rằng Việt Nam cũng sẽ noi gương theo.

Ông nhấn mạnh, thật ra tại miền nam Việt Nam trước 1975 đã tồn tại một nền tự do dân chủ. Lịch sử cần được viết lại cho rõ ràng để vinh danh những ai đã chiến đấu vì lý tưởng tự do, và,... cuộc chiến ấy vẫn còn tiếp diễn!

Buổi lễ chấm dứt lúc 3g chiều cùng ngày.

Ghi nhanh từ Canberra
28/04/2012
Lê Minh