Saturday, July 2, 2011

6 quan chức Úc có liên can đến "đồng tiền dơ bẩn" bị truy tố

Lê Minh

Sáng sớm hôm qua Thứ Sáu 1/07, lực lượng Cảnh sát Liên bang Úc đã bắt giữ 6 quan chức cao cấp nhất của hai công ty Securency và công ty in tiền nhựa Polymer Note Printing Australia (NPA). Cả 6 vị này bị đưa ra Tòa Sơ Thẩm bang Victoria trong cùng ngày để xét xử vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử nước Úc có liên can đến việc hối lộ các quan chức nước ngoài nắm giữ các vị trí then chốt trong Ngân hàng trung ương hoặc Bộ Tài chánh, để có được các hợp đồng in tiền nhựa Polymer.

Sáu quan chức này nắm giữ 3 vị trí quan trọng và cao nhất của hai công ty vừa kể, là 3 chức danh Tổng Giám Đốc điều hành, Tổng quản Tài chánh và Tổng quản Thương Mại-Tiếp thị.

NPA là công ty chuyên in tiền nhựa Polymer cho Úc và nước ngoài, hoàn toàn thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung Ương Úc RBA. Trong khi Securency là công ty chuyên quảng bá và tiếp thị dịch vụ in tiền nhựa Polymer, với 50% cổ phần thuộc về công ty Innovia của Anh Quốc, và 50% còn lại thuộc sở hữu của RBA.

Vụ tham nhũng RBA-Securency lần đầu tiên được hai phóng viên chuyên mục điều tra Nick Mckenzie và Richard Baker đưa lên trang nhất của báo The Age và Sydney Morning Herald vào ngày 23/05/2009. Theo đó hai phóng viên này đã phanh phui nhiều chi tiết động trời liên quan đến việc công ty Securency hối lộ các quan chức ngân hàng, tài chánh của các nước bằng mọi kiểu cách, để có được hợp đồng in tiền nhựa Polymer. Với tầm cỡ của scandal này, chỉ vài giờ sau khi bài báo xuất hiện thì vị Tổng Giám Đốc của Securency khi đó là Myles Curtis đã buộc phải chủ động gọi điện yêu cầu Cảnh sát Liên bang vào cuộc điều tra.

Cuộc điều tra của Cảnh sát Liên bang Úc xoáy quanh việc hối lộ quan chức các nước Việt Nam, Nepal, Mã Lai, Ấn Độ, Nam Dương, Nigeria và một số nước Châu Phi khác. Nhưng về sau thì trọng tâm của cuộc điều tra nhắm vào Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương, Nigeria vì có nhiều dấu chỉ cho thấy quan chức của những nước này ẵm gần hết số tiền hơn 60 triệu đô do Securency chi trả trong khoảng thời gian từ 1999 đến 2005, mà theo sổ sách đó là "các khoản tiền chi trả không chính thức" và "tiền huê hồng" cho "các vị khách quý của chúng ta".

Chiếu theo điều 11.5(1) và 70.2(1) của bộ luật Hình sự bổ sung năm 1995, liên can đến các tội hối lộ ở nước ngoài, thì cá nhân có thể bị phạt đến 10 năm tù và/hoặc phạt vạ lên đến $1.1 triệu đô. Công ty, tổ chức thì có thể bị phạt đến $330,00 cho mỗi lần vi phạm. Tuy nhiên, sau khi vụ RBA bị phanh phui vào tháng 5 năm 2009 thì chính phủ Úc đã đưa ra những hình phạt nặng nề hơn kể từ tháng Hai năm 2010, là nâng số tiền phạt lên đến $11 triệu đô, hoặc tương đương 33% tổng doanh thu của công ty, hoặc 3 lần số tiền dùng để hối lộ.

Với tầm cỡ quan trọng của vụ án, vì uy tín của hệ thống ngân hàng Úc bị ảnh hưởng nghiêm trọng và viễn ảnh về một nước Úc tương dối trong sạch dưới con mắt quốc tế sẽ bị méo mó, Cảnh sát Liên bang Úc đã quyết tâm vào cuộc điều tra cho ra lẽ. Một lực lượng gồm hơn 20 cảnh sát và chuyên gia cao cấp được thành lập để chuyên lo vụ án này trong một chiến dịch “Operation Rune” (tạm dịch là Chiến dịch Bí Mật).

Vì một nửa của Securency do Innovia, một công ty của Anh Quốc sở hữu, cho nên Văn Phòng Điều Tra Gian Lận của Anh cũng vào cuộc để điều tra các cáo cuộc liên can đến việc hối lộ các quan chức Nigeria. Một số thương gia, kẻ môi giới người Anh đã bị bắt, nhưng cho đến nay chưa bị truy tố, trong khi văn phòng của hai công ty này tại Luân Đôn cũng bị cơ quan này lục soát.

Trong số 4 quốc gia có liên can, Cảnh sát Úc đánh giá chính quyền Mã Lai có sự hợp tác và giúp đỡ nhiều nhất. Vào đầu tháng rồi, Ủy Ban Chống Tham Nhũng Mã Lai đã bắt giữ hai người được cho là kẻ môi giới trong các hợp đồng do Úc in tiền nhựa Polymer, để phục vụ công tác điều tra. Theo hồ sơ thì Securency đã chi trả khoảng $10 triệu đô cho các quan chức cao cấp ngân hàng trung ương và một số chính trị gia, thông qua các trung gian.

Ông cựu thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy được nhận diện là người ngoài mê tiền, còn mê "chân dài"

Trường hợp của Nam Dương thì vào năm 1999, sau khi trúng thầu in 500 triệu tờ tiền nhựa Polymer có mệnh giá $100,000 Rupiah, Securency đã chi trả nhiều triệu đô cho các quan chức Nam Dương thông qua Radius Christanto, một thương gia có sở thích đánh Golf. Chỉ riêng tên môi giới này đã nhận được US$4.9 triệu đô.

Cảnh sát Úc đánh giá chính quyền Việt Nam kém nhất trong việc hợp tác điều tra, cung cấp thông tin, và hầu như không hề công khai quan chức có liên can. Trong khi đó, các quan chức Việt Nam lại là những kẻ nhận được những khoản tiền lớn nhất. Cuộc điều tra đã nêu đích danh quan chức Việt Nam cao cấp nhất có liên can là Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là người trong nhiệm kỳ của mình đã quyết định sử dụng tiền nhựa Polymer để lưu hành thay tiền giấy. Chi tiết điều tra cũng cho thấy là Securency đã "bao" cho đứa con trai của Thúy đi du học tại trường Đại Học Durham, Anh Quốc cùng những khoản tiền được chuyển lòng vòng thông qua kẻ môi giới là Lương Ngọc Anh.

Lương Ngọc Anh - Đại tá công an nhân dân, kiêm nghề môi giới
Anh và công ty CFTD mà Anh là Tổng Giám Đốc khi đó, được cho là kẻ môi giới chính và duy nhất trong các phi vụ in tiền Polymer cho phía Việt Nam. Điều này dễ hiểu bởi vì bản thân Anh là một nhân vật “có thớ” trong Bộ Công An, mang quân hàm Đại tá công an. Ngoài ra có một số cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị của CFTD là con cháu các quan lớn và có một người là đại diện cho chính phủ Việt Nam tại một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Nhận ra được tầm ảnh hưởng của nhân vật này, ngay từ đầu năm 2002, Phòng Thương Mại Úc Austrade đã giới thiệu Anh cho Securency, nhưng lại "quên" nói rõ lý lịch của Anh. Do đó, Cảnh sát Úc có lý do để nghi ngờ rằng Anh là một đại tá tình báo của Bộ Công An, có những nhiệm vụ đặc biệt ngoài công việc môi giới.

Tính đến hôm qua 1/07, cuộc điều tra của cảnh sát Úc đã kéo dài đúng 769 ngày, với kết quả sơ khởi là việc bắt giữ và truy tố 6 viên chức cao nhất của hai công ty Securency và NPA. Đó là việc bắt giữ những kẻ ở Úc có liên quan đến quyết định sử dụng "đồng tiền dơ bẩn" để hối lộ quan chức nước ngoài hầu mong kiếm được hợp đồng in tiền nhựa Polymer. Sáu quan chức này sẽ đối mặt với những bản án lên đến 10 năm tù và/hoặc phạt vạ lên đến $1.1 triệu đô. Vào ngày 27/07 sắp tới, hai công ty Securency và NPA cũng sẽ phải hầu tòa với những tội danh tương tự và nếu có tội thì số tiền phạt tối thiểu sẽ là $1.5 triệu đô.

Kẻ đưa tiền hối lộ rồi đây sẽ phải nhận những hình phạt nặng nề. Mã Lai đã noi theo, và Nam Dương cũng đang rục rịch để xử những kẻ nhận hối lộ. Vậy đến khi nào mới đến lượt nhà cầm quyền Việt Nam "tùng xẻo" những kẻ đã ăn "những đồng tiền dơ bẩn"? Nhiều phần là kịch bản như PMU18 hoặc Vinashin được tái dựng để cho chìm xuồng với lý do "vụ án có yếu tố nước ngoài" và các quan tham sẽ được "hạ cánh an toàn", hoặc được "thuyên chuyển công tác".

Úc Châu, ngày 2/07/2011

Lê Minh

Nguồn tham khảo:


The Age: http://www.theage.com.au/national/the-money-men-20110701-1gv2b.html

Sydney Morning Herald: http://www.smh.com.au/business/securency-bosses-arrested-20110701-1gtr8.html

Video Clip: Dirty Money: the Securency scandal

http://media.theage.com.au/news/national-news/dirty-money--the-securency-scandal-2466830.html

Video Clip: The money men

http://www.theage.com.au/national/the-money-men-20110701-1gv2b.html