Trung Bảo
“di sản” mà ông Hà Vũ để lại sau phiên tòa không phải chỉ là hình ảnh của một người trí thức dám đương đầu với thời cuộc, ông còn gieo mầm về một thái độ tôn trọng pháp luật, sử dụng chính luật pháp đó để sửa sai cho nó…
Người đứng đầu danh sách “100 nhân vật gây ảnh hưởng thế giới” năm 2011 do tạp chí Time bình chọn không phải là Tổng thống Barack Obama của siêu cường Mỹ hay tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Hoa. Wael Ghonim, 31 tuổi, một người Ai Cập và là nhân viên của Google, là người ảnh hưởng đến thế giới nhiều nhất.
Weal Ghonim, vài tháng trước đó, còn thầm lặng điều hành một trang facebook dành cho những người ủng hộ tiến sĩ Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Tổ chức Nguyên tử Thế giới và là một nhà hoạt động chính trị người Ai Cập.
Bằng việc tập hợp những thông tin, lời kêu gọi biểu tình trên mạng internet, người thanh niên 31 tuổi này đã được tạp chí Time gọi là “Người phát ngôn của cuộc cách mạng”.
“Điều Wael và các thanh niên Ai Cập đã làm lan rộng như một ngọn lửa mạnh mẽ khắp thế giới Ả rập.” Tiến sĩ M. ElBaradei viết như vậy trên tạp chí Time về Wael Ghonim.
Không phải là người nổi tiếng, cũng không có công trình khoa học gây chấn động nhưng Weal Ghonim đã làm được cái mà Richard Stengel, Thư ký tòa soạn của Time gọi là: “Sự dân chủ hóa thông tin có thể dẫn đến một nền dân chủ thực thụ”.
Cũng là một người bình thường giống như Wael Ghonim, chàng trai Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên năm thứ ba Học viện Hành chính Quốc gia, hồi đầu tuần vẫn ngày 2 buổi đến trường.
"Tôi không thể tiếp tục thỏa hiệp với nỗi sợ hãi và sự hèn nhát của bản thân mình. Biết đến nhiều tấm gương dấn thân trong lịch sử và đọc nhiều về tư tưởng của họ, sẽ rất là hổ thẹn nếu tôi im lặng, bàng quan trước những bất công đang rõ ràng hiện hữu." Nguyễn Anh Tuấn phát biểu trên BBC ngày 27.4 sau khi phát đơn tự tố cáo chính mình.
Tuấn chỉ khác nhiều bạn cùng trang lứa 9x của mình khi nuôi suy nghĩ: “Mỗi người nên làm việc gì đó tốt cho đất nước, và tôi thấy bảo vệ nền pháp quyền là một việc tốt.”
Tự tố cáo chính mình và yêu cầu được truy tố vì “tàng trữ các tài liệu chống nhà nước XHCN Việt Nam theo cáo trạng truy tố ông Cù Huy Hà Vũ”, Nguyễn Anh Tuấn đang khiến tôi và nhiều người sinh ra trước bạn vài năm phải ngạc nhiên lẫn thán phục.
Lâu nay, nhiều người luôn tỏ ra bi quan về những biểu hiện của các bạn thuộc thế hệ 9x. Tôi thì không. Tôi biết, dù có nhiều trường hợp đáng trách, nhưng tôi cũng tin rằng chính các bạn sinh ra trong thế hệ này mới là những người mau tiến bộ.
Các bạn là những người tiếp cận với internet từ sớm, rành rẽ việc sử dụng công cụ này và chắc chắn ngày hôm nay không một bạn trẻ ở thành thị nào có thể sống thiếu internet trong một ngày.
Nguyễn Anh Tuấn là một ví dụ, sử dụng công cụ internet để truyền đi thông điệp của mình một cách hiệu quả.
Nguyễn Anh Tuấn cũng là một ví dụ cho việc sử dụng luật pháp để bảo vệ luật pháp khi phát đơn tố cáo chính mình.
Tuấn là minh chứng cho việc tiếp cận thông tin tự do giúp khai mở con người như thế nào.
Vậy là, “di sản” mà ông Hà Vũ để lại sau phiên tòa không phải chỉ là hình ảnh của một người trí thức dám đương đầu với thời cuộc, ông còn gieo mầm về một thái độ tôn trọng pháp luật, sử dụng chính luật pháp đó để sửa sai cho nó.
Không biết đến bao giờ, hoặc có thể không bao giờ Nguyễn Anh Tuấn đọc được những dòng này.
Dù vậy, tôi vẫn mong được bạn ghi nhận ở tôi sự thán phục cho lòng dũng cảm, trí thông minh và trên hết là tinh thần dấn thân của một kẻ sĩ trước cái sai, cái ác.
Tôi cũng cứ tin rằng khi đã quyết tâm làm như vậy, bạn chắc chắn xuất phát từ một tấm lòng yêu nước trong sáng chứ chẳng phải bị “kẻ xấu nào lợi dụng” như những kẻ cơ hội, hoạt đầu thường gán cho những người dám dấn thân. Tôi mến phục bạn vì bạn là một người bình thường và chọn cho mình một cách sống thẳng thắn với lý tưởng của chính mình, điều lẽ ra là rất bình thường trong một xã hội bình thường.
Cuộc sống này, chẳng phải được xây dựng lên từ những người bình thường với những điều bình thường như vậy đó sao.