Nguyễn Quang Duy
Tin Úc châu: Thứ tư 27/10/2010, Bác sỹ Bùi trọng Cường chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Queensland đã hướng dẫn một phái đòan viếng Quốc Hội Liên Bang Úc để vận động nhân quyền cho Việt Nam. Theo Phái đòan còn có các ông Nguyễn công Bằng (Đảng Vì Dân), Hương Nam (Đảng Vì Dân), Lê Minh (Mạng Tiếng Nói Tự Do Dân Chủ), Đòan Nguyên Hồng (Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam – Chi Hội Úc Châu), Nguyễn Giang (Khối 8406 – NSW), Nguyễn xuân Châu (Khối 8406 – Vic) và Nguyễn Quang Duy (Khối 8406 – Vic).
Phái Đòan Gặp Bộ Trưởng Bộ Di Trú Chris Bowen và Dân biểu Graham Perrett. Từ phía trái ông Lê Minh, ông Nguyễn công Bằng, Dân biểu Graham Perrett, Bộ Trưởng Chris Bowen, Bác sỹ Bùi trong Cường và ông Nguyễn xuân Châu.
Phái đòan đã gặp Bộ Trưởng Bộ Di Trú Chris Bowen, Dân biểu Graham Perrett (Đảng Lao Động), Nghị sỹ Mark Furner (Đảng Lao Động) và Nghị sỹ Gary Humphries (Đảng Tự Do). Phái đòan còn gặp ông Philip Green chánh văn phòng Bộ trưởng Bộ Ngọai Giao, cô Isabel Michell đại diện Bộ trưởng Bộ Ngọai Giao Đối Lập và Trung Tá Hải Quân Hòang Gia Úc Grant Zilko.
Nhìn chung chuyến công tác đã hoàn thành hết sức tốt đẹp. Bộ Trưởng Di Trú Christ Bowen đã đồng ý đặc biệt cứu xét một số trường hợp tỵ nạn chính trị đang tầm trú tại Thái Lan và rất quan tâm đến những việc đã và đang xẩy ra tại Cồn Dầu. Các vị đại diện dân cử đều rất quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền đang càng ngày càng trở nên trầm trọng và khuyến khích phái đòan trực tiếp làm việc với Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Liên Bang Úc. Các vị đại diện dân cử đã nhận sẽ chuyển hồ sơ của ba trường hợp tù nhân lương tâm ông Nguyễn Hữu Cầu, nhà báo Trương Minh Đức (ĐVD) và cô Phạm Thanh Nghiên (Khối 8406) lên cơ quan có thẩm quyền liên hệ để có sự can thiệp cụ thể.
Tại mỗi cuộc gặp gỡ Phái đòan đều đệ trình tập “Tình Trạng Vi Phạm Nhân Quyền tại Việt Nam” do các Tổ chức Chính Trị đồng sọan. Bác sỹ Bùi trọng Cường trình bày về trường hợp của một số vị vì họat động chính trị đã bị công an cộng sản truy nã phải tầm trú tại Thái Lan. Ông Nguyễn Công Bằng (ĐVD) đã trình bày về hiện tình tù nhân lương tâm Việt Nam . Ông đã cung cấp tài liệu kèm theo hình ảnh của hơn 100 người đang bị giam cầm vì các nỗ lực đấu tranh ôn hòa với đảng CSVN, bao gồm chi tiết của gần 50 tù nhân gốc sắc tộc. Ông Nguyễn Xuân Châu (Khối 8406) trình bày về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam . Từ việc sau 30/4/1975 Việt cộng luôn đàn áp các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo một cách khắc nghiệt, đến việc đàn áp giáo dân Cồn Dầu, đánh chết ông Nguyễn Năm và 40 người tỵ nạn Cồn Dầu đã sang tới Thái Lan. Ông Châu nhấn mạnh việc cộng sản đàn áp tôn giáo có thể sẽ dẫn đến một làn sóng mới những người Việt đi tìm tự do.
Phái Đòan gặp ông Philip Green chánh văn phòng Bộ trưởng Bộ Ngọai Giao.
Phái đòan đã đề nghị các vị Dân cử người Úc có một số biện pháp can thiệp và hành động yểm trợ nhân quyền một cách thiết thực, như lên tiếng tố giác sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam mỗi khi các cơ quan nhân quyền quốc tế (Amnesty Intertional, Human Rights Watch, FIDT…) có bản lên tiếng, sử dụng viện trợ như một phương cách để đòi hỏi cộng sản phải tôn trọng nhân quyền và đề nghị các nhân viên đại sứ và lãnh sự Úc tại Việt Nam lập chương trình thăm viếng các tù nhân chính trị tại trại giam Xuân Lộc, Nam Hà… để buộc nhà cầm quyền phải đối xử nhân đạo hơn với những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm.
Đầu tiên, Phái Đòan đã đựơc Dân biểu Graham Perrett (Đảng Lao Động) tiếp đón. Sau khi nghe phái đòan trình bày Dân biểu Graham Perrett cho biết ông là người đã vận động 40 dân biểu và nghị sỹ ký tên ủng hộ Khối 8406. Ông cũng cho biết ông là một thành viên trong Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Liên Bang Úc. Ông đề nghị phái đòan cung cấp vài trường hợp cần đặc biệt quan tâm để Ủy Ban có thể chú tâm giúp đỡ. Phái đòan đã đề nghị các tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Thanh Nghiên (Khối 8406) và Trương Minh Đức (ĐVD).
Ông Nguyễn Quang Duy (Khối 8406) cho biết cô Phạm Thanh Nghiên chỉ vì treo trong nhà biểu ngữ ”Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” mà bị khép án bốn năm tù giam cùng ba năm quản thúc tại gia. Bà Võ Hồng đảng viên Việt Tân công khai phát truyền đơn giăng biểu ngữ "báo động về hiểm họa Bắc thuộc" ngay trung tâm Hà Nội. Nhà cầm quyền Hà Nội đã phải thả ngay bà Hồng vì không thể khép được tội cho bà. Chỉ vì bà là một công dân Úc gốc Việt và được chính quyền Úc can thiệp. So sánh hai trường hợp để thấy người Việt Nam không có được một chút nhân quyền hay tự do. Và do đó nhiệm vụ của Phái đòan là phải lên tiếng thay cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam . Ông Duy cho biết sẽ cung cấp thêm một số trường hợp cần đặc biệt quan tâm. Ông Perrett cũng góp ý Phái đòan khi gặp các vị dân cử khác cần kêu gọi họ chú ý đến các trường hợp nói trên.
Sau đó Dân biểu Graham Perrett đã cùng Phái đòan đến văn phòng Bộ Trưởng Di Trú Chris Bowen. Ông Bộ Trưởng Chris Bowen đã thân mật thăm hỏi về hiện tình nhân quyền của Việt Nam và lắng nghe lời trình bày của từng người. Sau khi nghe trình bày ông Bộ Trưởng đã đồng ý đặc biệt cứu xét một số trường hợp tỵ nạn chính trị đang tầm trú tại Thái Lan. Hai ông Bowen và Perrett cho biết họ đều rất quan tâm đến đàn áp giáo dân Cồn Dầu và cũng lo ngại về một làn sóng thuyền nhân Việt sẽ tìm mọi cách để tránh sự đàn áp của công an cộng sản. Ông hứa sẽ chuyển hồ sơ chi tiết của ba trường hợp tù nhân lương tâm nói trên lên cơ quan có thẩm quyền liên hệ để có sự can thiệp cụ thể.
Sau bữa ăn trưa phái đòan đến gặp Nghị sỹ Mark Furner (Đảng Lao Động). Ông Mark Furner đã thăm hỏi và vui vẻ thảo luận với Phái đòan. Ông cho biết ông sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Ngọai Giao Kevin Rudd và ông sẽ tóm tắt cho ông Rudd về tình hình nhân quyền tại Việt Nam .
Nghị sỹ Gary Humphries (Đảng Tự Do) và Trung Tá Hải Quân Hòang Gia Úc Grant Zilko. Từ trái ông Nguyễn Quang Duy, ông Nguyễn Giang, Bác sỹ Bùi trong Cường, Nghị sỹ Gary Humphries, ông Nguyễn xuân Châu, ông Nguyễn công Bằng, ông Đòan Nguyên Hồng, Trung Tá Grant Zilko, ông Hương Nam và ông Lê Minh.
Sau đó phái đòan cũng đã gặp ông Philip Green chánh văn phòng Bộ trưởng Bộ Ngọai Giao. Ngay bắt đầu ông Philip đã chuyển lời Bộ trưởng Bộ Ngọai Giao ông Kevin Rudd rất tiếc không thể gặp Phái đòan như đã hẹn trước vì phải tường trình đến Quốc Hội về thiên tai Tsunami vừa xẩy ra tại Nam Dương, trong số nạn nhận có thể có công dân Úc. Sau phần tường trình và thảo luận ông Philip cho biết ông thấy buổi họp rất hữu ích, ông sẽ tóm tắt với ông Rudd và đề nghị lần sau ông sẽ thu xếp để Phái Đòan đến Bộ Ngọai Giao thuyết trình cho nhân viên hành chánh Bộ có thể nắm đựơc tình hình chính trị và nhân quyền tại Việt Nam.
Cô Isabel Michell đại diện Bộ trưởng Bộ Ngọai Giao Đối Lập Julia Bishop (Đảng Tự Do).
Chiều hôm trước thứ ba 26/10/2010, các ông Nguyễn công Bằng, Hương Nam, Nguyễn xuân Châu và Nguyễn Quang Duy cũng đã gặp cô Isabel Michell đại diện Bộ trưởng Bộ Ngọai Giao Đối Lập Julia Bishop (Đảng Tự Do) để thực hiện công tác ngọai vận.
Cũng cùng ngày 27/10/2010, Tòa án quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng đã tuyên án tù giam hoặc tù treo 6 giáo dân Cồn Dầu. Trước đó Ba nhà đấu tranh cho quyền lợi công nhân Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị tuyên án từ 7 đến 9 năm tù trong phiên xử ngày 26/10/2010. Đảng cộng sản cũng ra tay đàn áp các bloggers. Blogger Anh Ba Sài Gòn, tức Phan Thanh Hải, bị bắt giam ngày 18/10/2010, trong khi blogger Điếu Cày tuy mãn hạn tù ngày 19/10/2010, nhưng không những đã không được tự do mà còn bị giam tiếp với một tội danh khác. Gia tăng bắt bớ là dấu hiệu đảng Cộng sản đang lúng túng che đậy cái gọi là “ổn định chính trị” tại Việt Nam .
Cuối cùng tám người trong phái đòan đã có một buổi họp ngắn. Tất cả đều chia sẻ niềm vui vì kết quả đã vựơt quá ước mong của từng người. Mọi người đều đồng ý đây chỉ là việc làm khởi đầu cho một liên kết giữa nhiều tổ chức chính trị trong công tác ngọai vận. Trong thời gian tới cộng sản sẽ gia tăng đàn áp vì vậy các thành viên Phái Đòan cần tiếp tục xây dựng quan hệ và cập nhật tin tức để sẵn sàng cùng với Phong Trào Đấu Tranh Quốc Nội đứng lên đòi lại tự do và dân chủ cho Việt Nam.
Bác sỹ Bùi Trọng Cường đang tường trình tình trạng tỵ nạn chính trị tại Thái Lan đến Nghị sỹ Mark Furner (Đảng Lao Động)