Nguyễn Quang Duy
Trước ngày Quân Lực 19/6/2010, ba buổi gây quỹ “Bông Hồng Trên Nấm Mộ Hoang” để hỗ trợ việc tìm kiếm di cốt của các tử sỹ VNCH đã bỏ mình trong lao tù cộng sản được lần lựơt tổ chức tại ba thành phố lớn ở Úc châu, Melbourne, Brisbane và Sydney. Các buổi gây qũy đều rất thành công vượt quá mong ước những người đã đứng ra tổ chức.
Cùng thời gian, một Thông báo khẩn từ Cộng Đồng Liên Bang Úc Châu: “đặc biệt lo ngại về phương cách và quan điểm của tổ chức đứng ra thực hiện công việc này khi biết họ chủ trương đối thoại và thương lượng với nhà cầm quyền CSVN trong việc cải táng mộ phần của các tử sĩ QLVNCH tại các trại lao tù (cải tạo).” Cho đến nay ông Nguyễn Đạc Thành và một số người ủng hộ vẫn tiếp tục giữ quan điểm: “Đó là một việc làm nhân đạo rất cần, và nên gạt bỏ sang một bên tất cả những gì không nhân đạo. Đừng có đem chính trị vào vấn đề này. ” (Hà Mi, BBC Việt Ngữ, 28/4/2010)
Người viết không có gia đình trực hệ chết trong tù cộng sản. Cũng chưa đến tuổi thi hành quân dịch để có thể thực sự thấu hiểu tình đồng đội nhằm chia sẻ trách nhiệm với những quân nhân QLVNCH đã hy sinh trong lao tù cộng sản.
Nhân ngày QLVNCH năm nay, Lê Minh từ Sydney đã viết: “Xin đừng đợi đến khi các anh trở thành những cái xác không hồn trong những nấm mồ hoang lạnh. Đến khi đó, một nén nhang hay một bông hồng trên nấm mồ sẽ không có ý nghĩa gì.” Lời viết như để nhắc nhở đừng quên những người còn đang tiếp tục chiến đấu như ông Nguyễn Hữu Cầu một chiến sỹ QLVNCH, với 34 năm trong nhà tù cộng sản và hiện đang bệnh tật rất cần sự giúp đỡ của chúng ta. Những người chấp nhận đấu tranh chính trị với cộng sản cũng xem nhau như anh chị em đồng đội và cũng cố gắng để chia sẻ tình cảm và vật chất trong công cuộc đấu tranh chung.
Nói như thế không có nghĩa chúng tôi không quan tâm đến việc tìm kiếm di cốt của các tử sỹ VNCH. Tấm bích chương “Bông Hồng Trên Nấm Mộ Hoang” nhắc người viết về một vị thầy đáng kính đã chết trong tù cộng sản: thầy Tạ Ký. Khi được tin thầy mất, người viết cảm thấy đau xót cho một nhà thơ, một nhà giáo đã góp công xây dựng nền giáo dục và văn hóa nhân bản, một người suốt đời đã hy sinh cho đất nước quê hương đã nằm xuống trong lao tù cộng sản. Gần 20 năm sau người viết rất mừng khi nghe tin gia đình thầy nhờ một người có “ngọai cảm” đã tìm thấy mộ phần để cải táng. Thầy Tạ Ký đã mất trong trại cải tạo vùng Chợ Mới, An Giang.
Chương trình tìm kiếm hài cốt tử sỹ đã nhắc nhở thế hệ tiếp nối cần tri ân những chiến sỹ đã nằm xuống bảo vệ miền Nam tự do, những tử sỹ đã chết trong lao tù cộng sản. Nhắc nhở thế hệ trẻ không quên thế hệ cha anh đã đóng góp cho tự do dân tộc. Việc làm tự bản chất không thể coi là từ thiện hay nhân đạo ngược lại tự nó là chính trị.
Chính trị ở đây không phải là sinh họat chính trị ở chính trường, hay của các đảng, các tổ chức chính trị. Chính trị ở đây là những sinh họat tạo ra ý thức và quan điểm chính trị. Những sinh họat mang ý nghĩa chính trị. Nhận rõ điều này người viết đã đóng góp cho buổi gây quỹ tại Melbourne 11/6/2010.
Đóng góp không có nghĩa là hòan tòan đồng ý. Thắc mắc đầu tiên là làm sao để xác nhận hài cốt trong một nấm mồ là của ai. Đây chỉ là một thắc mắc kỹ thuật. Thậm chí đến hôm nay nhiều người chết trong tù cộng sản vẫn chưa được chính thức thông báo hay công nhận những người này đã mất.
Tuần qua trên diễn đàn mạng đại tá Phạm Bá Hoa cho biết: “Tất cả tù chính trị chết tại trại Nam Hà A này đều do tù hình sự chôn. Chỉ cần hai tên trước và sau "quan tài" xỏ cây tre vào hai đoạn dây choàng quanh "quan tài" khiêng đi chôn. Chỉ trường hợp duy nhất là cựu Đại Tá Trần Hữu Dụng khi chết thì Công An bảo tù chính trị chúng tôi khiêng chôn, chôn xong chúng tôi cắm một thanh tre với dòng chữ ghi tên họ và ngày chết. Tôi xác nhận, ngoại trừ cái mộ của anh Dụng ra, không "ngôi mộ" nào có bất cứ cái gì gọi là mộ bia cả. Tôi cũng xác nhận là tôi chỉ nói ở trại Nam Hà A thôi, vì các trại khác tôi không biết." Như vậy nếu tìm ra được nghĩa trang hay mộ mà thiếu phương tiện khoa học giảo nghiệm DNA thì làm sao có thể xác định đựơc di cốt của tử sỹ để trao lại cho gia đình người quá cố. Trong hoàn cảnh rất giới hạn hiện nay việc trao lầm di cốt là việc khó tránh được và tai hại biết chừng nào.
Cảnh đào tìm hài cốt tù nhân cải tạo tại bên ngoài một trại cải tạo ở Thanh Hà (Ảnh: POW Việt Nam)
Người viết không cùng ý kiến với ông Thành vì cho rằng sinh họat của ông Thành có liên quan trực tiếp đến chính trị. Trước ngày tổ chức ít lâu người viết có đặt vấn đề với một người trong ban tổ chức tại Melbourne xem việc làm có ý nghĩa chính trị. Khi nói chuyện người viết đã không đi vào chi tiết vấn đề. Người quốc gia thường thiếu dứt khóat giữa lý và tình. Tình với vong linh người đã khuất với anh chị em cùng đóng góp công việc chung. Tình lại được đặt trên lý: “thôi để việc xong mình sẽ nói chuyện với nhau rút tỉa kinh nghiệm như một bài học”. Là một người viết báo người viết nhận trách nhiệm đã không kịp thời thông tin đến đồng hương.
Trên Việt Luận số ra ngày 18/6/2010, trang 48 và 49, bài “Tri Ân và Hỗ Trợ Chiến Sỹ Tự Do”, người viết trình bày việc ông Thành không tìm hiểu, không chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt từ các đồng đội và đồng hương hải ngọai. Như tại Queensland ông Thành vào phút cuối đã từ chối gặp gỡ Hội CQN/QLVNCH/Qld. Buổi gặp gỡ lại do chính Trưởng Ban Tổ Chức BHTNMH tại Queensland đề nghị để làm rõ “... một số vấn đề liên quan đến phương diện chính trị…” mà Hội cần tìm hiểu từ chính ông Nguyễn đạc Thành.
Trước khi sang Úc và nhân ngày Quốc Hận 30/4/2010, khi được đài BBC phỏng vấn, Ông Nguyễn đạc Thành tuyên bố: “Đó là một việc làm nhân đạo rất cần, và nên gạt bỏ sang một bên tất cả những gì không nhân đạo. Đừng có đem chính trị vào vấn đề này.” người viết xin lượt qua một số sự việc đã xảy ra để có thể làm rõ vấn đề tại sao ông đã tuyên bố như trên.
Theo bản tường trình về buổi tiếp kiến, ngày 10/3/2007, giữa Dân biểu Liên Bang NICK LAMPSON và phái đoàn gồm nhân sĩ, đại diện Ủy ban Liên Tôn, Tổng Hội H.O. và truyền thông-báo chí: “Ông Nguyễn Đạc Thành, với tư cách Tổng Hội trưởng H.O. đã nêu lên các vấn đề nhân đạo nhờ DB Lampson giúp đỡ liên quan đến vợ con của những quân nhân bị Việt Cộng bắt và hành quyết vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 và sau đó, hiện sống rất khổ cực vì sự kỳ thị của chính phủ VNCS. Ông Thành thỉnh nguyện nhờ DB Lampson tìm cách giúp cho số người này được định cư tại Mỹ như các H.O.; xin chánh phù Hoa Kỳ cứu xét lại các hồ sơ H.O. bị Việt Cộng tráo thay thế bằng người của họ đã sang Mỹ mà những H.O. thật hiện vẫn còn kẹt ở Việt Nam.” (nguồn www.thegioi-song.com) Trích dẫn này cho thấy Ông Thành hoàn tòan đúng khi đặt vấn đề trên là nhân đạo với chính giới Hoa Kỳ.
Chỉ hai tháng sau, nhân ngày Quốc Hận 30/4/2007, ông Thành đã được Thanh Trúc, phóng viên đài Á Châu Tự Do, phỏng vấn. Ông cho biết vào tháng 1/2007 ông đã về Việt Nam để họp với nhà cầm quyền cộng sản. Ông còn cho biết: “... bây giờ nhà nước Việt nam kêu gọi hoà hợp hoà giải dân tộc thì tôi cho rằng vấn đề trước nhất chính phủ Việt Nam cũng sẽ tỏ thiện chí. Chúng tôi không muốn đề cập tới vấn đề chính trị ở đây bởi vì chúng tôi làm việc này chỉ là vấn đề nhân đạo mà thôi. Nếu thấy rằng giúp anh em chúng tôi tìm kiếm hài cốt của anh em tù cải tạo là một việc làm chính đáng thì họ sẽ đồng ý. Trước mắt thì tôi đã thấy tín hiệu đó, tín hiệu từ toà đại sứ Việt Nam, từ nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Quang Hoan của Bộ Ngoại Gia và ông dân biểu Dương Trung Quốc. Tất cả đều biểu đồng tình. Mới đây tôi được ông Dương Trung Quốc thông báo là phó đại sứ Mỹ ở Việt Nam đã tới gặp cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt và cũng đã nói chuyện với ông Dương Trung Quốc về vấn đề hài cốt cũng như vấn đề Nghĩa Trang Biên Hoà. Ông cho biết giới chức Việt Nam tán đồng việc làm nhân đạo này.”
Ngay sau đó ngày 6/5/2007, Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam Hải Ngoại lên tiếng ông Thành tiếm danh và lợi dụng “...yếu tố nhân đạo tìm hài cốt cựu TCNC đã móc nối với UB Liên Lạc Người Việt Nước Ngoài VC thực hiện NQ/36 của bạo quyền hòng nhuộm đỏ hải ngoại.”
Gần đây, 2009, ông Thành đã viết thư tới Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt cộng, Nguyễn Thanh Sơn, trong thơ có đọan như sau “… Trong thời gian hơn hai năm qua, Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Bộ Ngoại giao đã tận tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện dễ dãi cho chúng tôi trong việc giúp thân nhân tù cải tạo, tìm và đưa hài cốt người thân về với gia đình. Chính nhờ sự giúp đỡ đó, chúng tôi đã tìm được 240 ngôi mộ, giúp trên 50 gia đình đưa hài cốt người thân đoàn tụ với gia đình. Với kết quả khích lệ đó, ông Thứ trưởng cũng như Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội đã đánh giá cao về nỗ lực Nhân Đạo và sự thành công của chúng tôi trong thời gian qua. Ông Brian C. Aggeler(1) cũng đã ca ngợi thiện chí của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề hài cốt tù cải tạo. Ngoài sự đánh giá của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ra, đồng bào hải ngoại cũng đã có nhiều thiện cảm hơn, nhiều tin tưởng hơn đối với chính sách đoàn kết dân tộc của Chính phủ Việt Nam …” (nguồn: www.ubvk.hochiminhcity.gov.vn)
Bức thơ trên đã được nhà cầm quyền cộng sản đánh giá như sau: “Ông Nguyễn Đạc Thành nhấn mạnh, thiện chí và hành động của các cơ quan chức năng của Việt Nam “đã chứng minh một cách hùng hồn chánh sách Nhân Đạo và quyết tâm thực hiện Đoàn Kết Dân Tộc của Chánh phủ Việt Nam”. (nguồn: www.ubvk.hochiminhcity.gov.vn)
Cùng thời điểm là Thông báo hoạt động của Hội Vietnamese P.O.W. (tên mới của Tổng Hội H.O. do ông Thành làm Tổng Hội Trưởng) được phổ biến trong đó có đọan: “Đã có một ngân khoản của chính phủ Hoa Kỳ dành cho Thương Phế Binh hai miền nam bắc VN là 33 triệu, nhưng vì không có đại diện VNCH trong quỹ yểm trợ này nên số 33 triệu này từ 2 năm nay do chính quyền CSVN xử dụng cho TPB của họ. Nay nếu như chúng ta vẫn không có đại diện trong quỹ dành cho việc tìm kiếm hài cốt quân cán chính VNCH mà chính phủ Hoa Kỳ có thể cấp cho như đã cấp cho P.O.W Hoa Kỳ thì quả là chúng ta đã thiếu trách nhiệm với những người đã nằm xuống.” Qua thông báo bạn đọc có thể thấy rõ lý do ông Nguyễn Đạc Thành và Hội Vietnamese P.O.W. đang bằng mọi giá cố gắng thực hiện.
Nhân tiện cũng xin mạn bàn về việc giúp đỡ thương phế binh VNCH. Cho đến nay nhà cầm quyền cộng sản vẫn chưa cho phép một phái đoàn hải ngoại về giúp đỡ các thương binh VNCH vì họ cho rằng đây không phải là một việc làm nhân đạo. Đa số các nhóm hỗ trợ TPB thường phải lén lúp hay phải nhờ các dịch vụ gởi tiền gởi đến từng thương phế binh xem như là những món quà gia đình. Đây là một khác biệt lớn giữa hai việc làm: một được phép và một không được phép.
Người viết tin rằng đại đa số cựu tù nhân chính trị và đồng bào hải ngọai đều mong muốn một chính quyền dân chủ cho Việt Nam. Khi ấy chúng ta sẽ không cần phải xin phép các việc làm hết sức chính đáng của cộng đồng chúng ta.
Trên thực tế mọi vấn đề ít nhiều đều có liên quan đến chính trị. Thiếu tá Nguyễn Đạc Thành một người tỵ nạn chính trị sống ở Hoa Kỳ lại luôn công khai cho rằng các họat động ông đang đeo đuổi là nhân đạo không chính trị. Lời nói và việc làm của ông nhằm mục đích chính thức làm việc với nhà cầm quyền cộng sản và dễ dàng làm việc với chính quyền Hoa Kỳ. Với cộng đồng ông lại không chấp nhận những hậu quả chính trị từ lời nói và việc làm của mình.
Trước 30/4/1975, Quân Lực VNCH đã được giao trọng trách quân sự để bảo vệ miền Nam. Vấn đề chính trị do chính phủ Hoa Kỳ và vài lãnh đạo quốc gia nắm giữ. Khi chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chiến lược và ưu tiên chính trị, miền Nam lọt vào tay quân cộng sản xâm lược.
Khi nắm được quyền lực, cộng sản luôn tìm cách chòang bốn chữ họat động chính trị lên đầu lên cổ người dân, để gây sợ hãi để bỏ tù người bất đồng chính kiến. Không ai có quyền cấm người dân trong nước e dè biểu lộ quan điểm chính tri. Thế nhưng theo thời gian sự sợ hãi đã bớt đi, ý thức chính trị nâng cao, người dân đang từng bước đứng lên giành lại quyền tự quyết dân tộc, cộng sản đang run sợ ra sức bảo vệ quyền lực.
Người sống ở hải ngọai mà tránh né quan điểm chính trị mới chính là vấn đề. Hải ngọai lại là hậu phương. Hậu phương có ổn định có mạnh về phương diện chính trị thì mới mong sớm giành lại tự do dân chủ, không để đất nước bị lệ thuộc vào ngọai bang. Vai trò và tránh nhiệm của người Việt hải ngọai vì thế rất lớn trong công việc đấu tranh chung.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
30/6/2010