Saturday, May 15, 2010

Vì sao chủ nghĩa cộng sản bị cáo buộc chống nhân loại? (phần 2)

Trân Văn, phóng viên RFA
2010-05-14

Loạt bài “Vì sao chủ nghĩa Cộng sản bị cáo buộc chống nhân loại?” được dựa trên một bộ phim tài liệu mang tên “The Soviet Story” (Câu chuyện Sô viết), do đạo diễn Edvins Snore thực hiện trong hàng chục năm.
Photo courtesy of Perry Street Advisors. Joseph Stalin.


Với sự giúp đỡ của một số sử gia, Edvins Snore đã tìm, giới thiệu nhiều bằng chứng cho thấy, cả Marx lẫn Engels cùng chủ trương diệt chủng và Lenin, Stalin, cũng như lãnh tụ nhiều chính quyền cộng sản khác đã thực hiện triệt để chủ trương đó.
 
Những ai có thể khóc Stalin?


Năm 1922, Joseph Vissarionovich Stalin, quen gọi là Stalin, thay Lenin lãnh đạo Đàng Cộng sản Liên Xô. Đến năm 1941, Stalin đảm nhận thêm vai trò Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của Liên Xô cho tới khi chết (năm 1953).

Trong các thập niên 1950, 1960, 1970, tại Việt Nam, Stalin vẫn được xưng tụng như một vĩ nhân. Tháng 3 năm 1953, khi Stalin qua đời, Tố Hữu – nhân vật từng kiểm soát toàn bộ sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam – đã viết một bài thơ mà đến nay nhiều người còn nhắc.


Bài thơ có tên là “Khóc Stalin”. Trong đó có những câu như: Stalin! Stalin! Yêu biết mấy nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Stalin... Stalin! Stalin! Hỡi ơi! ông mất đất trời biết không? Thương cha, thương mẹ,thương chồng. Thương thân thương một, thương ông thương mười.

Dân chúng Liên Xô có thương tiếc Stalin như thế không? Câu trả lời là không! Vì sao? Giới sử gia ước đoán, suốt 21 năm lãnh đạo Liên Xô, Stalin đã giết từ 20 triệu đến 40 triệu người.

Trong “Câu chuyện Sô viết”, đạo diễn Edvins Snore đã gặp gỡ nhiều nhân chứng, phỏng vấn nhiều sử gia để tìm hiểu Stalin đã làm những gì tại Liên Xô.

Các sử gia ở Liên Xô, ở châu Âu xác định Stalin là thủ phạm chính của nạn đói kéo dài từ 1932 – 1933, khiến 7 triệu người Ukraina thiệt mạng.

Sử gia Norman Davies, Đại học Cambridge, Anh Quốc kể: Vào mùa đông năm 1932 và 1933, tất cả lương thực được chuyển khỏi Ukraina. Một hàng rào cách ly khổng lồ được lập ra để cô lập toàn bộ người dân Ukraina.
Mỗi gốc cây đều được treo một tấm khăn choàng để
tưởng niệm cho những nạn nhân nằm trong mồ chôn tập thể,
bị giết từ thời Stalin tại Liên Xô cũ. Photo courtesy of Perry Street Advisors.



Sử gia Volodymyr Sergychuk, Đại học Kiev, kể thêm: Sau khi toàn bộ thực phẩm bị tịch thu, nông dân bị cấm tìm kiếm thức ăn ở nơi khác, cho dù là mua, trao đổi, hay kiếm được.


Đạo diễn Edvins Snore đã tìm được nhiều đoạn phim tài liệu, nhiều hình ảnh lưu trữ cho thấy, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em quắt queo, hình hài hoàn toàn biến dạng. Bảy triệu con người hoặc đã chết, hoặc đang thoi thóp vì đói đã bị ném xuống những hố lớn rồi lấp đất như người ta vẫn chôn súc vật bị dịch.

Dưới sự lãnh đạo của Stalin, chính quyền Cộng sản tại Liên Xô đã thực hiện nhiều đợt thanh trừng đẫm máu khác. Khắp Liên Xô nhan nhản những khu vực chỉ gồm toàn mộ tập thể. Nổi tiếng nhất là: Bikivina, Butov, Leningrad, Vinnica, Harkov...

Giết người ngẫu nhiên

Sử gia George Watson, Đại học Cambridge, kể trong “Câu chuyện Sô viết”: Stalin thậm chí đã đi xa tới mức giết người ngẫu nhiên và theo chỉ tiêu.

Vladimir Bukovsky, một nhà văn Liên Xô, cho biết thêm: Ví dụ, có 100.000 người dân trong huyện Tambov. Mỗi một người bị bắt và bắn chết sẽ được tính vào chỉ tiêu. Họ không quan tâm người ấy là ai. Khi hoàn thành xong chỉ tiêu, chính quyền địa phương sẽ báo cáo cho Stalin và uỷ ban trung ương để yêu cầu tăng mức chỉ tiêu cho họ!

Ông Vladimir Karpov, Cựu Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, tiết lộ: Khrushchev từng yêu cầu tăng thêm chỉ tiêu của mình! Ông ta được phép giết 7 đến 8 nghìn “kẻ thù”. Ông ấy yêu cầu: “Hãy tăng mức chỉ tiêu của tôi lên thành 17 nghìn”. Và việc gia tăng chỉ tiêu giết chóc đã được chấp thuận.
Ông Mikhail Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô,
ảnh chụp năm 1987. Photo courtesy of Wikipedia


Thực tế này được Mikhail Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô, xác nhận: Stalin đã tắm trong máu! Bản thân tôi đã thấy những án tử hình đã do chính ông ta ký hàng loạt. Cùng với Molotov, Voroshilov, Kaganovich và Zhdanov. Họ là năm kẻ giết người năng nổ nhất. Molotov luôn thêm vào: sửa từ "10 năm" thành "tử hình". Hàng loạt!


Cuối tháng 10 năm 2007, khi tham dự một buổi tưởng niệm 20.000 văn nghệ sĩ, trí thức đã bị chính quyền cộng sản ở Liên Xô thủ tiêu, trong giai đoạn từ 1937 – 1938, vì bị cho là “phản động, kẻ thù của chế độ”, ông Vladimir Putin, lúc ấy đang là Tổng thống Nga, nhìn nhận: Những người bị thảm sát, khủng bố là những con người ưu tú nhất, có trí tuệ cao nhất và là những người can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó.

Vậy tại sao những người Cộng sản Việt Nam lại có thể thương Stalin hơn cả cha, mẹ và chính bản thân mình như Tố Hữu giãi bày?

Một số người bảo rằng, đó là vì Đảng CSVN vừa xem Liên Xô, Trung Quốc là mẫu mực để noi theo, vừa muốn nhận sự giúp đỡ của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc để đảm nhận vai trò “tiền đồn của khối xã hội chủ nghĩa”, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản.

Trên thực tế, diễn tiến cuộc “cải cách ruộng đất” do Đảng CSVN thực hiện vào thập niên 1950, tiêu diệt “Nhân văn, Giai phẩm” ở miền Bắc, giống hệt những gì chính quyền cộng sản Liên Xô và cộng sản Trung Quốc đã thực hiện trước đó.

Phát xít Đức thoát thai từ Marx-Engels

“Câu chuyện Sô viết” còn trưng ra nhiều bằng chứng để bạch hoá một số vấn đề ít ai biết. Đó là chủ nghĩa phát xít thoát thai từ tư tưởng của Marx và Engels.

Đạo diễn Edvins Snore đã tìm được khá nhiều bằng chứng cho vấn đề đó. Chẳng hạn, ngày 27 tháng 11 năm 1925, tờ New York Times, có một tin ngắn, loan báo vừa có một đảng, mang tên là “Đảng Công nhân quốc gia xã hội chủ nghĩa” ra đời tại Đức, quen gọi tắt là “Đảng Quốc xã”. Người sáng lập và lãnh đạo Đảng Quốc xã là Adolf Hitler.

Một số tin, bài khác xuất hiện trên báo chí châu Âu cuối thập niên 1920, từng tường thuật một số tuyên bố của Goebbels – sau này là Bộ trưởng Tuyên truyền trong chính quyền phát xít Đức – theo đó, có rất ít khác biệt giữa chủ nghĩa cộng sản với các tuyên bố Hitler.


Vậy thì tại sao sau này, chủ nghĩa phát xít không nhấn mạnh đến sự tương đồng của nó với chủ nghĩa cộng sản nữa? Giới sử gia cho rằng, đó là vì ngay từ thời ấy, cử tri Đức đã không thích cộng sản.

Sử gia George Watson, Đại học Cambridge, kể về kết quả nghiên cứu của ông: Hitler thường nói rằng ông đã học được rất nhiều khi đọc chủ nghĩa Marx. Ông cho rằng chủ nghĩa Xã hội Quốc gia hoàn toàn dựa trên lý thuyết chủ nghĩa Marx.

Ông Vladimir Bukovsky, một nhà văn Liên Xô thì nhắc: Mọi người quên rằng chế độ Đức Quốc Xã ở Đức cũng là một chế độ xã hội chủ nghĩa. Nó chính thức được gọi là Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa. Nó là một chi nhánh của chủ nghĩa xã hội. Liên Xô được gọi là xã hội chủ nghĩa quốc tế và Đức Quốc Xã được gọi là xã hội chủ nghĩa quốc gia. Trên thực tế chúng là một, chỉ có chút khác biệt nhỏ trong cách diễn giải.

Chưa kể còn khá nhiều bằng chứng khác cho thấy, trước khi gia nhập khối đồng minh chống phát xít, chính quyền Liên Xô do Stalin lãnh đạo đã từng hợp tác chặt chẽ với chính quyền phát xít tại Đức do Hitler chỉ huy. Mời quý vị nghe các sử gia thuật lại điều đó trong bài kế tiếp.

•Vì sao chủ nghĩa công sản bị cáo buộc chống nhân loại? (phần 1)

•Vì sao chủ nghĩa cộng sản bị cáo buộc chống nhân loại? (phần 3)

Bộ phim tài-liệu của Edvins Snore Phim nói tiếng Anh, phụ đề Việt-ngữ do nhóm x-cafevn.org thực hiện.


http://www.youtube.com/watch?v=Dird0QkXz-8&feature=player_embedded (part 1/8)
http://www.youtube.com/watch?v=OZ2kqoxAcjg&feature=related (part 2/8)
http://www.youtube.com/watch?v=mkOnGGzNves&feature=related (part 3/8)
http://www.youtube.com/watch?v=4uP4FLTWzl4&feature=related (part 4/8)
http://www.youtube.com/watch?v=apdY5aXQirM&feature=related (part 5/8)
http://www.youtube.com/watch?v=0IUmkKB_a3w&feature=related (part 6/8)
http://www.youtube.com/watch?v=YcUm1497yn0&feature=related (part 7/8)
http://www.youtube.com/watch?v=63R5Dd4OfRo&feature=related (part 8/8)