Đừng đòi hỏi những nhà tranh đấu trong nước
phải là những chính trị gia chuyên nghiệp
Ngày 8 tháng Tư vừa qua là ngày kỷ niệm 4 năm khai sinh của Khối 8406. Bốn năm qua, tuy Khối 8406 chưa thực hiện được mục tiêu lớn như mong ước nhưng vẫn tiếp tục phát triển uy tín và tầm ảnh hưởng để trở thành một phong trào quần chúng có tiếng vang và có hoạt động cụ thể ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Điều này không ai có thể phủ nhận, nhất là qua những hành động của một trong những người sáng lập Khối, LM Nguyễn Văn Lý, và các thành viên nổi tiếng kiên cường của Khối như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Xuân Nghiã, Trần Anh Kim v.v… Khối 8406 không phải là một đảng chính trị với những hoạt động khép kín, nhưng là một phong trào mở để bất cứ ai, không phân biệt địa phương, mầu sắc và qúa khứ chính trị, đều có thể tham gia công cuộc tranh đấu chung: giải thể chế độ cộng sản tại Việt Nam để mở đường xây dựng lại đất nước trong tự do, no ấm, tôn trọng nhân quyền.
Trong khi đó, ở hải ngoại có một số người có tâm trạng đặt qúa nhiều trông đợi, nếu không nói là đòi hỏi, nơi những người đang đấu tranh ở trong nước. Họ luôn thúc đẩy người ở trong nước phải vùng lên, phải chống cộng giống như người đang sống ở Bolsa hay San Jose và phải ăn nói đúng lời lẽ như họ mong muốn. Làm khác, nói khác là bị chỉ trích, đôi khi còn bị nhục mạ. Tình trạng này đã gây hiểu lầm và có thể làm nản lòng những người đấu tranh chỉ vì lý tưởng mưu cầu phúc lợi cho đất nước và đồng bào. Chúng ta nên hiểu rằng những người đấu tranh trong nước phải đương đầu với muôn vàn khó khăn và nguy hiểm vì họ đang phải sống trong nanh vuốt trực tiếp của cộng sản. Họ phải tùy cơ ứng biến để sống còn. Có sống còn thì mới có thể tiếp tục đấu tranh.
Sự trông đợi qúa đáng và hiểu lầm lẫn nhau cũng có thể được giải thích là ai cũng nóng lòng mong cho cuộc đấu tranh được đẩy mạnh để mau đi tới thành công. Tuy nhiên, có những thái độ và lời nói vượt qúa giới hạn của dè dặt và khoan dung để đi đến chỗ nghi ngờ và nhục mạ người khác, dù cùng chung mục tiêu tranh đấu.
Thí dụ khi Luật sư Lê Công Định và Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung bị bắt và được đưa lên truyền hình thú tội và xin khoan hồng thì lập tức có những người lên tiếng chê trách hai người này là những nhà tranh đấu cuội, chỉ đóng tuồng do cộng sản dàn dựng. Có người còn chỉ trích họ là phản bội, hèn nhát. Dĩ nhiên chúng ta không khỏi buồn khi thấy những người chúng ta cảm phục và đặt hy vọng đã tỏ thái độ mềm yếu trước áp lực và đe dọa một cách nhanh chóng, dễ dàng. Nhưng chúng ta phải bình tĩnh nghĩ lại họ đã là những người dám lên tiếng đấu tranh ngay giữa lòng chế độ cộng sản, đã từng tỏ ra không sợ hãi dù biết có thể bị tù tội, sự nghiệp có thể tan theo mây khói. Trong trường hợp họ, chúng ta có dám làm như thế không? Chúng ta có biết rõ những gì ở đằng sau và trong thâm tâm họ khi họ phải thú tội trên truyền hình? Khủng bố tinh thần, áp lực gia đình, giả dại qua ải…? Cho tới nay, họ vẫn tiếp tục ngồi tù và không có lời nào ca ngợi chế độ cộng sản.
Tới khi Luật sư Lê Thị Công Nhân được thả sau 3 năm tù, dù vẫn còn bị quản chế, nhiều nhà báo, nhiều đài phát thanh ngoại quốc tranh nhau phỏng vấn cô. Ba năm trong tù không được đọc sách báo gì ngoài cuốn Thánh Kinh, Lê Thị Công Nhân làm sao có thể biết hết mọi chuyện diễn ra trên thế giới để có thể ăn nói như một chính trị gia được cập nhật tình hình hàng ngày? Một số người túm lại chê bai cô sau khi cô tham gia cuộc hội luận với Dân biểu Cao Quang Ánh và nhà báo truyền thanh Dương Phục ngày 10-03-2010, trong đó cô có phát biểu: “Yếu tố thứ hai là những điều mà tôi mong muốn được gửi đến cụ thể như anh Dơ-dép Cao là Quốc Hội Hoa Kỳ và Quốc Hội Việt Nam. Gần đây là Quốc Hội Việt Nam gần như là Quốc Hội Hoa Kỳ. Một phần bản chất cũng cần phải thay đổi quốc hội dân chủ, hoàn toàn của nhân dân và vì nhân dân thì mối quan hệ giữa hai nhà nước hai quốc hội bằng nhau là ngang hàng các nghị sĩ. Tôi mong muốn rằng sẽ có nhiều hơn những cuộc giao liên, những cuộc làm việc giữa hai quốc hội cho dù quốc hội Việt Nam có thấp kém, có tệ đến đâu đi chăng nữa”. Họ mỉa mai cô là dám coi thứ quốc hội “đảng cử dân bầu” ngang hàng với quốc hội Hoa Kỳ. Có người còn đem chuyện cô béo tròn sau 3 năm ở tù và thân mẫu cô được đi Pháp du lịch để nghi ngờ cô đóng vai chống đối cuội. Làm gì phải bươi móc nhau và nặng lời với nhau như thế? Đọc kỹ lại lời tuyên bố của Lê Thị Công Nhân, ta thấy đây là một lời phát biểu không được sửa soạn trước, lời nói hơi luộm thuộm có lẽ do phát biểu ngẫu hứng (improviser) theo hoàn cảnh: vì đối thoại với Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh nên đem chuyện quốc hội ra bàn. Cô không ca ngợi quốc hội CSVN, nhưng qua lời thấy ý. Ý của cô là quốc hội VN phải có phẩm chất “hoàn toàn của nhân dân và vì dân” thì mới dễ giao liên với quốc hội Hoa Kỳ. Cô cũng thừa nhận là quốc hội VN còn thấp kém, còn tệ, nhưng vẫn mong có liên hệ với quốc hội Mỹ. Chúng ta cũng nên nghĩ rằng quốc hội cộng sản VN dù có là bù nhìn chăng nữa cũng vẫn có quyền sửa đổi điều 4 Hiến Pháp khi tình thế cho phép hoặc đòi hỏi. Đừng quên rằng quốc hội bù nhìn cộng sản Liên Xô dưới thời Gorbachev đã biểu quyết chấp thuận tổ chức một cuộc bầu cử tự do ngày 26-03-1988 sau 70 năm dưới chế độ cộng sản. Nhờ cuộc bầu cử này, phe của Boris Yeltsin, cựu bí thư thành bộ cộng sản thủ đô Moscow, mới thắng lớn với chủ trương đa nguyên và tước bỏ những đặc quyền của đảng cộng sản (Xem The Collapse of Communism, trang 28, Times Books, Hoa Kỳ 1900). Đảng cộng sản thấy nguy nên làm đảo chánh. Và người hùng cựu lãnh đạo cộng sản Boris Yeltsin đứng trên chiến xa chỉ huy cuộc phản công dẹp đảo chánh, dứt khoát quay lưng với cái chế độ tàn ác mà ông đã phục vụ, dù nó đã trọng hậu ông. Khi một vết nứt xảy ra, không ai biết sẽ có những biến cố dây chuyền nào xảy tiếp. Vì vậy đừng vội phán xét kẻo sẽ bị hố to. Hơn nữa, Lê Thị Công Nhân đã hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc và sự nghiệp (bị rút giấy phép hành nghề luật sư) để tranh đấu cho lý tưởng tự do dân chủ với một thái độ cương quyết, một lập trường không thay đổi. Chẳng nên vì vài câu nói thiếu sửa soạn, không rõ nghiã, mà vội xóa đi thành tích của một nữ lưu đã làm những việc mà nhiều đấng nam nhi không dám làm.
Trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý có vẻ còn phức tạp hơn. Vừa được tạm tha và còn trong tình trạng sức khỏe bán tàn phế, LM Lý đã qúa “đắt khách” đến độ được phỏng vấn ngay khi vừa bước chân về tới Nhà Chung Huế. Những ngày kế tiếp là một chuỗi liên tục những yêu cầu phỏng vấn, lên tiếng trên các diễn đàn paltalk, điện thoại hỏi thăm và vấn kế của nhiều nhân vật, trong đó không ít người vì cạnh tranh nghề nghiệp hoặc vì muốn có thành tích “đã được nói chuyện với Cha Lý” để khoe khoang. Sở dĩ vậy vì Cha Lý qúa nổi tiếng, chẳng những đối với người Việt mà còn đối với nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế. Thế nhưng sóng gió đã nổi lên ngay sau câu trả lời phỏng vấn của Cha trên đài BBC. Cha nói:
… “Bao nhiêu người có tâm huyết, muốn thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào? Nếu thay đổi mà tình hình xấu hơn cả Thái Lan, Indonesia, Philippines, thì thà cứ để yên cho đảng cộng sản đang còn giúp cho Việt Nam cũng có một vị trí trong cộng đồng Asean.
“Muốn để Việt Nam huy hoàng hơn, thăng tiến hơn, đạo đức hơn, có nền tảng vững chắc hơn thì tổ chức ấy phải hội đủ nhiều điều kiện lắm. Nếu như không, cũng chỉ mơ tưởng với nhau vậy thôi, còn trong thực tế, không thể thành công”.
Kẻ nặng lời thì kết án LM Lý dối trá trong việc tranh đấu, hô dẹp cộng sản mà lại tuyên bố cứ để cho cộng sản tiếp tục cai trị, một mặt kêu gọi đấu tranh, mặt khác lại làm nản lòng thiên hạ khi cho rằng tranh đấu kiểu đang diễn ra thì thành công chỉ là mơ tưởng. Người nhẹ lời hơn hay khéo léo hơn thì vẫn cha con ngọt sớt rồi hạ một câu “cộng sản không mong gì hơn những điều Cha nói”.
Những phản ứng trên vừa vội vàng vừa thiếu suy nghĩ. Tại sao không chịu hiểu câu đầu chỉ là một giả định, và có thể coi như một lời “nói dỗi” với ngụ ý: nếu các anh không đoàn kết bây giờ và cả mai sau thì chỉ tổ sinh ra xáo trộn, thà để cho cộng sản tiếp tục cai trị cho rồi. Nghĩ cho kỹ, điều này rất chí lý. Bây giờ không đoàn kết, cứ chia năm xẻ bẩy, làm sao thắng được cộng sản? Mai ngày khi hết cộng sản, nếu vẫn chia rẽ, vẫn giành nhau chiếu trên chiếu dưới, vẫn coi quyền lợi và tự ái hão của cá nhân mình và đoàn thể mình lớn hơn quyền lợi và danh dự của đất nước, thì dẹp cộng sản có lợi gì, vì mình cũng cư xử giống họ? Tốn công, tốn sức và có khi tốn cả xương máu một cách vô ích. Đất nước cũng chẳng tiến thêm. Nhân dân cũng chẳng hạnh phúc hơn. Vậy phải coi đây là một lời cảnh cáo nặng nề đối với tệ nạn chia rẽ.
Câu tiếp theo là một lời khuyên rất tích cực; phải có một tổ chức đấu tranh hội đủ điều kiện để xây dựng một nước Việt Nam huy hoàng. Nếu chỉ nói và mơ, thì còn lâu mới thắng được cộng sản.
Người ta không thể nghi ngờ sự thay đổi lập trường của LM Nguyễn Văn Lý, nhất là sau lời khẳng định của Cha nói với Bà Phó Đại Sứ Hoa Kỳ ngày 24-03-2010: “Qúy vị cố gắng giúp chúng tôi tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội cộng sản năm 2011 cho thật hiệu qủa. Đây là một hình thức dân chủ giả hiệu và áp đặt, hoàn toàn không giống như các cuộc bầu cử quốc hội ở những nước dân chủ tự do…” Đã hạ quyết tâm tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội “cuội” thì làm sao còn có thể muốn chế độ cộng sản tồn tại? Ý kiến về quốc hội CSVN giữa LM Nguyễn Văn Lý và LS Lê Thị Công Nhân cũng không mâu thuẫn nhau. LS Công Nhân muốn quốc hội phải hoàn toàn của nhân dân và vì nhân dân. LM Lý thì không muốn có một quốc hội bù nhìn, tay sai của đảng. Sự khác biệt duy nhất là LM Lý dứt khoát tẩy chay quốc hội, trong khi LS Công Nhân thì nói cứ để quốc hội sinh hoạt và làm cho nó khá lên (biết đâu có lúc phải dùng bù nhìn để thỉnh tượng giát vàng?). Sự khác biệt ý kiến về tiểu tiết và vô hại càng chứng tỏ những người tranh đấu ở trong nước đã có tinh thần đa nguyên, trọng tự do tư tưởng và tự do phát biểu của nhau. Xin các chuyên gia đánh võ mồm ở hải ngoại đừng bắt họ phải mặc đồng phục.
LM Nguyễn Văn Lý đã vào tù ra khám 4 lần, tổng cộng gần 17 năm, đến nay vẫn chưa được tự do hoàn toàn. Cha vẫn kiên cường theo đuổi lý tưởng và mục tiêu của mình dù bị đầy dọa khiến sức khỏe suy yếu. Bây giờ lại phải chịu thêm những lời mai mỉa, chỉ trích, xuyên tạc của phe ta, và chắc chắn cũng có phe địch ném đá dấu tay, vậy mà Cha vẫn hiên ngang đi trên con đường đã vạch. Nếu đất nước Việt Nam có thêm nhiều những Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Xuân Nghiã, Trần Anh Kim, Trần Duy Thức, Phạm Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thủy…thì đảng cộng sản sẽ mau tới ngày tiêu vong.
Đối với những người ưa chỉ trích, bắt bẻ, có thể họ có tinh thần cảnh giác qúa cao độ, nhưng chắc chắn cũng có một số người mà tôi đã từng gọi là những người ngồi từ xa ở một chỗ an toàn để chấm điểm những người đang trực diện đương đầu với sói lang. Họ muốn những người khác phải nói và làm như ý họ muốn. Làm khác là phản bội, là cuội. Họ chống cộng sản độc tài nhưng bắt mọi người phải sắp hàng đi theo “lề phải”, theo lệnh còi của họ, chẳng khác gì cộng sản. Họ phải hiểu rằng những người đấu tranh ở trong nước không phải là những chính trị gia chuyên nghiệp, biết uốn lưỡi tuyên bố thích hợp với mọi hoàn cảnh, làm vừa lòng mọi người. Những nhà tranh đấu này không có những cố vấn ở bên cạnh để nhắc nhở cách ăn nói và ứng xử. Họ phải tự biên tự diễn và tùy cơ ứng biến giữa những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Khi cứng khi mềm với cộng sản cũng chỉ là chiến thuật giai đoạn, miễn giữ đúng hướng đi. Có thể sẽ có một ngày họ phải ngồi với cộng sản, điều đình với cộng sản, thỏa hiệp với cộng sản trong trường hợp không đạt được một chiến thắng dứt điểm, lúc đó có ai dám kết tội họ là “đi với cộng sản” hay không? Vì vậy nếu chưa hiểu rõ hoàn cảnh và tâm tư của nhau thì chưa nên phán xét. Người ở ngoài chỉ có thể đóng vai trò yểm trợ tinh thần, vật chất, vận động ngoại giao, nói giùm người bị bịt miệng, đóng vai trò hậu phương yểm trợ tiền tuyến, không thể đòi chỉ đạo người trong nước và càng không thể làm công việc vùng dậy để lật đổ bạo quyền. Vì vậy chúng ta hãy khiêm tốn nhìn cho đúng vị trí và khả năng hành động của mình. 85 triệu dân trong nước đứng trước đầu sóng ngọn gió mới là những tác nhân chính. Trong đó có những ngôi sao nổi lên để trở thành những người lãnh đạo. Chúng ta có bổn phận phải khuyến khích, nâng đỡ và bảo vệ những người này.
Đối với những nhà tranh đấu ở trong nước đã nổi danh, nếu tôi có thể bầy tỏ một mong muốn với qúy vị thì đó là xin qúy vị hạn chế bớt những lời tuyên bố, vì “năng nói năng lỗi”, và vì như lời các cụ ta đã dậy:
Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm
Qúy vị đã nổi tiếng qúa rồi. Xin giữ gìn tiếng tăm của qúy vị để xử dụng như một lợi khí đấu tranh.
Mặc Giao